Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Tunisia đình chỉ Quốc hội, sa thải Thủ tướng

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/7, Tổng thống Tunisia Kais Saied quyết định sa thải Thủ tướng và đình chỉ Quốc hội, hành động bị phe đối lập gọi là đảo chính.

 Tổng thống Tunisia Kais Saied. Ảnh: AFP 
"Hiến pháp không cho phép giải tán Quốc hội nhưng cho phép đình chỉ", Tổng thống Saied nói, viện dẫn Điều 80 của Hiến pháp Tunisia.
Theo Tổng thống Saied, ông sẽ tiếp quản quyền hành pháp "với sự giúp đỡ" của chính phủ do một người đứng đầu mới được chính ông lựa chọn. Đây là thách thức lớn nhất đối với hệ thống dân chủ của Tunisia kể từ cuộc cách mạng năm 2011.
Hiện mức độ ủng hộ đối với hành động của Tổng thống Saied khi giải tán một chính phủ mong manh và quốc hội đầy chia rẽ chưa rõ ràng. Trong tuyên bố hôm 25/7, ông Saied cảnh báo sẽ có hành động đối với bất kỳ phản ứng bạo lực nào.
“Tôi cảnh báo bất kỳ ai nghĩ đến việc sử dụng vũ khí… và với bất kỳ ai bắn bằng đạn, lực lượng vũ trang sẽ đáp trả bằng đạn”, Tổng thống Saied cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình.
Kể từ khi ông Saied được bầu làm Tổng thống hồi năm 2019, ông bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu chính trị với Thủ tướng Hichem Mechichi và Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi, người đã cản trở các quyết định bổ nhiệm bộ trưởng cũng như ngăn chính phủ giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.
Vài giờ sau tuyên bố, các xe quân đội bao vây trụ sở Quốc hội khi đám đông xung quanh hò reo và hát quốc ca.
Tunisia đang gặp không ít khó khăn khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và đại dịch Covid-19.
Trước khi Tổng thống Saied đưa ra quyết định, hàng trăm người đã tuần hành trước Quốc hội Tunisia ở thủ đô Tunis, hô to những câu khẩu hiệu phản đối đảng Ennahdha cầm quyền. Ennahda là đảng thành công nhất từ năm 2011 và là thành viên của chính phủ liên minh.
Ông Rached Ghannouchi, Chủ tịch đảng Ennahda và Chủ tịch Quốc hội, gọi quyết định của Tổng thống Saied là “cuộc đảo chính chống lại cách mạng và hiến pháp”. “Chúng tôi coi hiến pháp vẫn tồn tại, và những người ủng hộ Ennahda và nhân dân Tunisia sẽ bảo vệ cách mạng”, ông Ghannouchi cho hay.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Moncef Marzouki - Chủ tịch đảng Karama, cũng gọi hành động của ông Saied là đảo chính.
“Tôi đề nghị người dân Tunisia chú ý đến thức tế rằng đây sẽ là khởi đầu của cuộc cách mạng. Đây là khởi đầu của sự trượt dốc đến tình trạng tồi tệ hơn”, ông Marzouki nói.
Tổng thống và Quốc hội Tunisia được bầu theo số phiếu phổ thông trong hai cuộc bầu cử năm 2019. Thủ tướng Hichem Mechichi lên điều hành từ mùa hè năm ngoái, thay thế một chính phủ tồn tại ngắn ngủi.
Tổng thống Saied, một chính trị gia độc lập không có đảng nào phía sau, tuyên bố sẽ cải tổ hệ thống chính trị phức tạp đang bị nạn tham nhũng hoành hành. Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội tạo nên một cơ quan lập pháp chia rẽ vì không đảng nào có hơn 1/4 số ghế.
Theo Hiến pháp nước này, Tổng thống chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề đối ngoại và quân sự, nhưng sau khi chính phủ thất bại trong nỗ lực triển khai tiêm chủng vaccine, ông Saied, hồi tuần trước đã yêu cầu quân đội chịu trách nhiệm ứng phó với đại dịch Covid-19./.