Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP HCM: CPI tháng 3 tăng đột biến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là lần đầu tiên kể từ khi TP HCM áp dụng cách tính CPI mới, giá tiêu dùng tăng trên 2%. Điện, xăng, tỷ giá biến động mạnh là nguyên nhân khiến CPI tháng 3 tăng đột biến.

KTĐT - Đây là lần đầu tiên kể từ khi TP HCM áp dụng cách tính CPI mới, giá tiêu dùng tăng trên 2%. Điện, xăng, tỷ giá biến động mạnh là nguyên nhân khiến CPI tháng 3 tăng đột biến.

Tất cả 11 nhóm hàng đều tăng giá so với tháng 2, trong đó, mạnh nhất là nhóm giao thông (7,73%). Nguyên nhân do giá xăng tăng 17,78%, dầu diezel đắt đỏ hơn trước 24% đã tạo áp lực đẩy giá cước vận tải lên 10-24%. Chưa kể nhiều loại hình dịch vụ, hàng hóa khác cũng gián tiếp bị đẩy giá lên mà tác nhân chính là chi phí vận chuyển, yếu tố đầu vào tăng cao.

Tác động của việc tăng giá xăng dầu, điện... cũng góp phần nâng giá cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thêm 2,38% so với tháng 2. Trong đó, tăng "khủng" nhất là dịch vụ ăn uống ngoài gia đình (4,09%), lương thực nhích thêm 1,22% và thực phẩm tăng 1,65%.

Cũng là nhóm tăng giá cao hơn mức chung, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng vượt tháng trước 2,62%. Điện áp mức mới từ đầu tháng 3, phôi thép nhập khẩu tăng 5-7%, vật liệu xây dựng nhích thêm khoảng 4%... là những cú hích đẩy giá nhóm hàng này tăng trên 2%.

So với cùng kỳ, CPI TP HCM tăng tới 10,76%. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất (16,45%), kế đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (14,2%), giao thông cũng thuộc nhóm hàng điều chỉnh mạnh (tăng 10,33%). Chỉ duy nhất bưu chính viễn thông giảm 4,32%.

Với mức tăng 2,2% trong tháng 3, CPI bình quân 3 tháng đầu năm tăng 9,75% so với cùng kỳ. Đây là tháng có mức tăng mạnh nhất kể từ khi TP HCM áp dụng cách tính CPI mới từ tháng 11/2009 đến nay. 16 tháng qua, mức tăng giá tiêu dùng chung của tháng sau so với tháng trước đều tăng dưới 2%, thậm chí có tháng giảm.

Chỉ số giá vàng và USD tăng lần lượt 5,22%, 3,07% so với tháng 2 và nhìn về cùng kỳ tăng tới 40,9%, 12,53%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố quý I ước đạt 105.345 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng thời điểm này năm ngoái.