Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: 167 hộ dân “mắc cạn” trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc hơn 20 năm

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, tọa lạc tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được quy hoạch, giải tỏa bồi thường từ năm 1997 nhưng đến nay gần 21 năm vẫn còn 167 hộ dân bị “mắc cạn”, đi không được, ở không xong, khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

“Mắc cạn” trong KCN Vĩnh Lộc…
Ngày 5/2/1997 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 81/TTg về việc thành lập KCN Vĩnh Lộc và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Tiếp đó, ngày 7/4/1997 UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định về di chuyển dân cư và ban hành quy định đền bù, trợ cấp thiệt hại và bố trí tái định cư trong công trình xây dựng KCN Vĩnh Lộc. Sau khi có quyết định thành lập KCN Vĩnh Lộc, phải mất hơn 7 năm sau, ngày 12/3/2004 UBND quận Bình Tân mới có quyết định về thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng trong dự án đầu tư xây dựng KCN Vĩnh Lộc.
 Khu công nghiệp Vĩnh Lộc.
Theo các quyết định của các cấp, KCN Vĩnh Lộc được quy hoạch có diện tích 207 ha, tọa lạc tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân do Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) nay là Công ty TNHH Một thành viên KCN Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư.
Theo UBND quận Bình Tân, tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Vĩnh Lộc là 705 hộ. Đến nay, sau gần 21 năm triển khai đã giải tỏa được 538 hộ, thu hồi được gần 197ha/207ha. Hiện nay một số khu dân cư vẫn ở xen kẽ các nhà máy sản xuất trong KCN. Trên phần đất đã giải tỏa, thu hồi chủ đầu tư đã xây dựng và đưa vào kinh doanh, khai thác sử dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 167 hộ dân, với tổng diện tích gần 10ha vẫn chưa giải tỏa được.
Tiếp xúc với phóng viên báo Kinh Tế & Đô Thị, một số hộ dân hiện vẫn đang cư ngụ trên đường số 4 KCN Vĩnh Lộc hết sức bức xúc về việc bị “mắc cạn” trong quy hoạch KCN Vĩnh Lộc gần 21 năm qua. Đại diện các hộ dân cho biết: “Chúng tôi đã phải chịu đựng tình cảnh đi không được, ở không xong và chả làm gì được. Đất ruộng xung quanh đây nếu không nằm trong quy hoạch thiên hạ bán hơn 10 triệu/m2, người ta cất nhà trọ cho công nhân thuê kiếm tiền, còn đất của chúng tôi thì không được phép làm gì, ai chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi của chúng tôi? Lúc quy hoạch nơi này vẫn là nông thôn, thuộc huyện Bình Chánh giờ xung quanh đã là phố xá dày đặc, thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Chúng tôi đã khiếu nại không biết bao nhiêu lần, phản ánh với phường, với quận với HĐND các cấp nhưng vẫn chưa có ai giải quyết dứt điểm cho chúng tôi, không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát được cảnh sống này ?”
… Và bế tắc!
Những bức xúc của người dân còn đang “mắc cạn” trong KCN Vĩnh Lộc không phải là vấn đề mới, kéo dài nhiều năm, người dân bức xúc phản ứng bằng nhiều cách nhưng đến nay chủ đầu tư, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết một cách rốt ráo. Do chính sách bồi thường của KCN Vĩnh Lộc ban hành từ năm 1997 đến nay đã không còn phù hợp và không thể áp dụng. Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng lay hoay khiến sự việc kéo dài và gần như rơi vào bế tắc.
Nhà dân chưa được bồi thường giải tỏa bị kẹp giữa các nhà máy, người dân đang phải hàng ngày hít thở khói bụi, chịu đựng tiếng ồn.
Được bết, quận Bình Tân đã 5 lần làm việc với chủ đầu tư để đốc thúc cũng như hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống trong dự án. Đặc biệt, tháng 7/2016, chủ tịch UBND quận Bình Tân đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên KCN Vĩnh Lộc. Trong buổi làm việc quận Bình Tân đề nghị chủ đầu tư xây dựng cơ chế riêng về chính sách đền bù, hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng; cần phải chuẩn bị đủ nguồn tài chính để bồi thường ngay cho những hộ đã hoàn tất công tác hiệp thương nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ dự án và đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực…. Sau khi chủ tịch UBND quận Bình Tân gặp chủ đầu tư, quận Bình Tân thành lập tổ công tác hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án KCN Vĩnh Lộc….
Năm 2016 đã có sự thống nhất giữa địa phương và chủ đầu tư, theo đó sẽ đền bù theo chính sách chung có từ năm 1997, ngoài ra chủ đầu tư sẽ hỗ trợ thêm trên cơ sở giá theo chứng thư thẩm định giá (do pháp nhân độc lập có chức năng thẩm định giá để định giá). Tuy nhiên, sau khi có chứng thư thẩm định giá, chủ đầu tư thiếu hợp tác với UBND quận Bình Tân, đến 2017 thì chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực… Sự việc hứa hẹn sẽ kéo dài không biết đến bao giờ.
Ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Bình Tân rất đồng cảm với những bức xúc của người dân và đã đưa vụ việc này ra HĐND TP Hồ Chí Minh và đề nghị thành phố cần có giải pháp. Một là phải thúc đẩy nhanh việc đền bù giải tỏa cho người dân. Hai trong trường hợp không thể đền bù thì phải tính đến giải pháp điều chỉnh quy hoạch đưa các hộ dân còn lại ra ngoài ranh dự án.