TP Hồ Chí Minh: 17/19 KCX-KCN đã đi vào hoạt động

Vĩnh Yên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/9, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm định hướng phát triển các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Trưởng Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Năng cho biết: Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay TP Hồ Chí Minh đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đến nay, các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh đạt được những kết quả nhất định. Đó là đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp. Qua đó tạo kim ngạch xuất khẩu cho TP Hồ Chí Minh; thực hiện có kết quả thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Song song đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, chuyển những vùng đất đầm lầy, năng suất nông nghiệp thấp thành vùng công nghiệp, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần tăng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh.
Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Năng cũng thừa nhận: Hiện nay, trong quá trình phát triển có một số thách thức đặt ra cho các KCX-KCN. Đó là đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả chưa có đột phá mạnh mẽ, chưa thu hút được dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, có tính chất lan tỏa.
“Mặt khác, mô hình quản lý theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ” đến nay phát sinh nhiều bất cập. Do KCX-KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa thành Luật. Do đó, việc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng, môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCX-KCN chưa được thực hiện triệt để, thống nhất do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi”, ông Nguyễn Hoàng Năng cho biết.