Nội ô có các quận 1, 4, 5, 6, Bình Thạnh, Tân Bình; ngoại ô thì ở các quận 7, 2, 9, Thủ Đức, Gò Vấp… Diện mạo TP đổi thay rõ rệt, đôi bờ sông Sài Gòn, kênh Tàu Hũ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi, kênh Tẻ nhiều tòa cao ốc mọc lên để thay cho những khu nhà ổ chuột ở ven kênh ngày nào. Hàng chục khu công nghiệp hình thành, khu công nghệ cao được xây dựng với nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư; nhiều trường đại học được xây mới, đón hàng vạn sinh viên học tập; nhiều bệnh viện được nâng cấp, xây dựng mới với những trang thiết bị hiện đại để phục vụ người dân.
|
Tòa nhà Bông Sen Bitexco và Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là những công trình ghi dấu ấn của TP Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Vũ Quỳnh |
Những vùng căn cứ cách mạng nghèo khổ xưa kia như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ nay đã “thay da, đổi thịt”, bừng lên sức sống mới, cuộc sống của người dân ở đây đã nâng lên rõ rệt. Nhiều khu căn cứ cách mạng đã trở thành những điểm du lịch đón hàng chục vạn lượt khách mỗi năm như địa đạo Cù Chi, căn cứ Rừng Sác góp phần vào sự phát kinh tế của một TP năng động. Để có những bước đột phá khiến TP Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu của cả nước “đi trước, về đích trước” không thể không nhắc đến sự kiến tạo có từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông còn làm Bí thư Thành ủy.
TS Bùi Văn Danh, Đại học Công nghiệp cho biết: “TP Hồ Chí Minh làm bệ phóng cho nền kinh tế khu vực phía Nam thì giao thông vận tải là bệ đỡ cho TP này và các tỉnh, thành Nam bộ cất cánh”.
Câu chuyện về TP Hồ Chí Minh với những người bạn của tôi về đề tài xây dựng, giao thông cứ rôm rả như một hội thảo mini về kinh tế. TS - KTS Nguyễn Xuân Hinh ở Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng chỉ mới 20 năm trở lại đây, TP mới thay da đổi thịt bằng những quy hoạch xứng tầm của đô thị đông dân nhất nước. Đó là Phú Mỹ Hưng, là Vinhome Tân Cảng, là một quận 2 với những khu đô thị đã, đang và sắp hình thành; đó những cây cầu hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, đơn cử cầu Phú Mỹ; đó là những đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (rút ngắn quãng đường và thời gian từ TP về các tỉnh miền Tây) hay đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn quãng đường và thời gian về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nói đến đây Thạc sỹ Nguyễn Công Hưng, Viện Thiết kế và Quy hoạch Bộ Xây dựng, chỉ hướng những công trình giao thông đã được hoàn thành. Đại lộ Phạm Văn Đồng thông xe năm 2013, tuyến đường được xem là đẹp nhất TP Hồ Chí Minh, kết nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1A, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai.
Cùng với việc di dời các khu “ổ chuột”, nhiều tuyến đường song hành được xây dựng chạy dọc theo các bờ kênh, nối đầu Đông với Tây của TP Hồ Chí Minh như đại lộ Võ Văn Kiệt là một ví dụ. Đại lộ Võ Văn Kiệt được thông xe vào năm 2009 được xem là đột phá phát triển giao thông, đại lộ này không những “chia lửa” trong việc giảm kẹt xe ở các tuyến đường lân cận mà còn giảm thời gian đi từ đầu Đông đến đầu Tây TP. Hiện nay và trong tương lai, sẽ còn nhiều kênh, rạch được cải tạo nhằm làm mới diện mạo TP, như kênh Xuyên tâm (từ Gò Vấp qua Bình Thạnh), kênh Hàng Bàng (chạy dọc 2 con đường Bãi Sậy, Phan Văn Khỏe, nối quận 6 với quận 5)…
Một trong những công trình giao thông quan trọng khác cũng được KTS Phạm Thị Hoài An thuộc Viện Quy hoạch Bộ Xây dựng nhắc đến là Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đây là công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại được xây dựng sớm nhất tại TP. Đại lộ này là tuyến huyết mạch kết nối những công trình trọng điểm: Khu chế xuất Tân Thuận - Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - Nhà máy điện Hiệp Phước - Khu công nghiệp Hiệp Phước - Khu đô thị cảng Hiệp Phước - Cảng Hiệp Phước - Cầu Phú Mỹ…, mở ra một diện mạo mới, một tầm cao mới về hướng Tây Nam TP và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hay mới đây TP Hồ Chí Minh cũng cho phép Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư tuyến “buýt đường sông” với mục đích góp phần giảm tải giao thông trên bộ. Tuyến buýt này tuy chưa được người dân “mặn mà” vì còn nhiều khiếm khuyết, nhưng cũng mở ra hướng mới cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải của TP. Câu chuyện của chúng tôi ở tòa nhà Bông Sen cứ lan man không có điểm dừng. Và, chỉ đến khi chia tay, tất cả chúng tôi ai cũng có chung niềm tin: TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện được những mục tiêu đột phá về kinh tế - xã hội, xứng danh là “TP văn minh, nghĩa tình”…