Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Chi 2.753 tỷ để phòng, chống dịch Covid-19

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/3, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho chủ trương về một số chế độ để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP”.

Hỗ trợ 600.000 lao động khó khăn trong 3 tháng
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh có tờ trình 1106/TTr-UBND về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo đó, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, gồm: Cho người bị áp dụng biện pháp cách ly tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung và không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người đang điều trị Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP; công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng chống dịch Covid-19 là 90.000 đồng/người/ngày. Riêng nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, được hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.
Thời gian hỗ trợ thực hiện trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly tế và điều trị Covid-19.
TP Hồ Chí Minh dự kiến chi 2.753 tỷ đồng hỗ trợ người bị nhiễm, nghi nhiễm, bị cách ly, nhân viên y tế, lực lượng chức năng, lao động thất nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài hỗ trợ tiền ăn, UBND TP cũng hỗ trợ khẩu trang cho đối tượng là học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước TP, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 22 quận huyện trực tiếp tham gia chống dịch. Định mức hỗ trợ 3 cái/người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần), thời gian hỗ trợ 3 tháng.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19 là những người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020, số lượng lao động được hỗ trợ dự kiến 600.000 người.
Trong tờ trình, UBND TP cũng đề xuất mua 10 xe ôtô chuyên dùng áp lực tâm, theo giá thị trường cho Trung tâm cấp cứu 115 (Sở Y tế) để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Dự báo điều trị cho khoảng 100 người nhiễm Covid-19
Đối với kinh phí dự trù, theo UBND TP Hồ Chí Minh được trích từ nguồn ngân sách dự phòng của TP. Cụ thể: Kinh phí các ly tại cơ sở các ly tập trung và kinh phí điều trị, dự báo có khoảng 10.000 người và điều trị 100 người, khoảng 323 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ người bị cách ly tại khu dân cư, bị phong tỏa để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung là 126 tỷ đồng.
Kinh phí trang bị 10 xe ôtô chuyên dùng cho Trung tâm cấp cứu 115 khoảng 135 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ khẩu trang khoảng 112 tỷ, các kinh phí khác như: Tuyên truyền, đào tạo… khoảng 257 tỷ đồng. Đối với việc chi hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn khoảng 600.000 người trong vòng 3 tháng là 1.800 tỷ đồng. Tổng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh khoảng 2.753 tỷ đồng.
Nghị quyết của HĐND TP cũng giao cho UBND TP phải có kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể, phân công rõ ràng, chặt chẽ, thực hiện đảm bảo không trùng lắp theo quy định và thực hiện thống nhất trên địa bàn TP, ngay sau khi HĐND TP ban hành nghị quyết. Căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định thời gian thực hiện hỗ trợ, đảm bảo không vượt thời gian hỗ trợ quy định theo quyết nghị của HĐND TP. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh và những điểm quy định chưa phù hợp, UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định.
Riêng đối với chính sách hỗ trợ trong một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19, UBND TP cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng, đặc biệt trong đó lưu ý điều kiện, thời gian được hưởng chính sách này (sớm có hướng dẫn, kể cả quy trình đảm bảo công khai, minh bạch, tránh phát sinh quá nhiều thủ tục, hồ sơ). UBND TP cần sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng 10 xe ôtô chuyên dùng cho Trung tâm cấp cứu 115, và tổ chức mua sắm theo quy định về quản lý ngân sách Nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.
Hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch Covid-19
Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh cũng nhận định trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của dịch bệnh, tác động toàn diện đến kinh tế, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.
Do đó, HĐND TP yêu cầu UBND TP tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh.
Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch.
Tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.