Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: cứu sống nữ bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện vừa kịp cứu chữa kịp thời nữ bệnh nhân Đ.T.M.L (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi bệnh Whitmore).

Theo thông tin ban đầu, chị Đ.T.M.L. có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe. Cách đây gần 1 tháng, chị L. bất ngờ sốt cao, khó thở kéo dài đến 3 ngày nên bệnh nhân đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà.

Tuy nhiên, bệnh tiến triển nhanh chóng, sau 3 ngày, chị suy hô hấp, khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Tại bệnh viện, sau thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, tổn thương phổi lan rộng tới 70% thể tích. Ngay sau đó, chị L. được can thiệp bằng oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO).

Nhờ áp dụng phương pháp thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp, sau 48 giờ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị L. dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - tác nhân gây bệnh Whitmore, thường được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Đ.T.M.L.- ảnh BVCC 
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Đ.T.M.L.- ảnh BVCC 

Sau 4 ngày điều trị trúng đích, tình trạng của chị L. được cải thiện rõ rệt. Đến ngày điều trị thứ 7, chị L. đã được cai máy thở và phục hồi gần như hoàn toàn sau 14 ngày điều trị.

Theo bà T.T.Đ.  - mẹ của bệnh nhân: "Cách đây 2 tuần, nhìn con gái nằm bất động trong tình trạng hôn mê, gia đình tôi đã chuẩn bị tinh thần lo hậu sự. Thật may mắn, các bác sĩ đã cứu sống con tôi, mang lại phép màu cho gia đình chúng tôi."

Sau khi vượt qua cơn thập tử nhất sinh, chị L. chia sẻ, trước đó chị có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe.

 "Có lẽ vì thói quen này mà tôi bị nhiễm vi khẩn Burkholderia pseudomallei" - chị L. nói.

Liên quan đến ca bệnh này, Th.S-BS Phó Thiên Phước - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, chị L. là trường hợp thứ 2 được điều trị thành công tại bệnh viện.

Trước đó, tại bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng đã tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân 38 tuổi, mắc bệnh Whitmore.

Người bệnh nhập viện ở trong tình trạng nguy kịch, sốt cao liên tục 39-40 độ C, kiệt sức. Khớp gối trái sưng đỏ, nóng rát, đau nhức dữ dội đến mức bệnh nhân không thể tự đi lại.

Theo BS Phước bệnh Whitmore có tỉ lệ tử vong cao, ở các ca nhiễm khuẩn huyết có thể lên đến 50%, và ở các trường hợp viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong lên tới 75%. Bệnh thường gặp ở các khu vực nhiệt đới như Đông Nam Á và Bắc Úc.

"Bệnh Whitmore thường lây qua việc tiếp xúc với đất hoặc nước nhiễm khuẩn, và dễ xuất hiện ở những người có sức đề kháng suy giảm. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh này, vì vậy việc phòng ngừa thông qua biện pháp bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm là rất quan trọng. Nếu có vết thương hở, cần rửa sạch và đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời" - BS Phước lưu ý.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh Whitmore, BS Phước khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ cơ thể bằng cách mang găng tay, ủng khi làm việc ngoài trời, đặc biệt nếu tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi bị trầy xước, cần rửa sạch vết thương và đến cơ sở y tế để điều trị ngay.