Theo HCDC, từ ngày 26/8 đến ngày 1/9, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 106 ca sởi.
Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Tích lũy từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP là 644 ca. TP cũng ghi nhận 3 ca tử vong liên quan đến sởi: 2 ca ở TP và 1 ca ở tỉnh, đều là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca sởi đang tăng nhanh và trẻ ở dưới 5 tuổi chiếm 73,2%, đáng lo ngại xu hướng này chuyển dịch lên nhóm tuổi lớn hơn.
Nguyên nhân dịch sởi gia tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa đạt, ở mức dưới 95%; đồng thời, gần 20% trẻ trên địa bàn có địa chỉ tỉnh khác, nên trạm y tế không biết để mời tiêm.
Để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trên địa bàn, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi với 308 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 8 bệnh viện tuyến TP, quận, huyện.
Sau 3 ngày triển khai chiến dịch, đến nay TP đã tiêm được cho 12.625 trường hợp. Trong đó có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.
Trong thời gian này, HCDC cũng đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế. Kết quả giám sát cho thấy, quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.
Theo ghi nhận, các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm.
Cùng với đó, công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích gia đình đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, lây qua đường không khí, thường xảy ra vào mùa đông xuân và hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Đặc biệt, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.