Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo giãn cách nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 8/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo lãnh đạo TP, việc thực hiện Chỉ thị 16 nhắm đến mục tiêu giãn cách xã hội, đồng thời vẫn duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP đã có văn bản số 2279 triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến mục tiêu phòng chống dịch đạt kết quả cao nhất trong thời gian thới.
Văn bản 2279 nêu rõ quy định đảm bảo giãn cách xã hội; duy trì hoạt động thiết yếu và sản xuất; dừng tất cả hoạt động không cần thiết; ngưng không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, trừ các trường hợp đặc biệt... Hạn chế giao thông không cần thiết trên đường, tuy nhiên vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, duy trì đời sống người dân. Cho phép siêu thị, cửa hàng cung ứng hàng hóa thiết yếu; y tế, an ninh trật tự giữ ở mức cao nhất.
Tại văn bản 2279 cũng giao cho ngành y tế có nhiệm vụ tập trung chuẩn bị cơ sở cách ly, phải nâng quy mô để dự phòng trường hợp có 1.000 bệnh nhân nặng; Thực hiện tiêm vaccine an toàn và đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đến cuối năm 2021 có 2/3 dân số được tiêm vaccine...
 Buổi họp báo của UBND TP Hồ Chí Minh diễn ra lúc 20 giờ 15, đến gần 22 giờ mới kết thúc.
Mong người dân ủng hộ
Vì sao TP dừng hoạt động bán hàng mang về nhưng không cấm hoạt động shipper là vấn đề báo chí quan tâm. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: “Nhu cầu vô hạn, không có quyết định nào toàn vẹn. Kể cả một tiệm bán bánh mì nhỏ, có đơn đặt hàng nhiều, lực lượng shipper tập trung rất khó giãn cách. Mong mỏi có sự chia sẻ từ người dân, mỗi hoạt động phải dừng TP đắn đo, cân nhắc, mong sự đồng cảm, ủng hộ. Bản thân tôi trong thời qua ăn mì gói rất nhiều... TP đã rất cân nhắc khi dừng các hoạt động, việc cấm hoạt động bán hàng mang đi chủ thể nhắm đến là người bán hàng, nếu tiếp tục cho bán thì rất khó đảm bảo việc giãn cách”.
Trả lời báo chí về vấn đề dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX), TP có tính đến phương án dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, KCX?
Ông Dương Anh Đức cho biết, tình hình lây nhiễm trong KCN, KCX là có. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang may mắn, dịch bệnh chỉ khu trú trong phân xưởng, đến lúc này tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp đều tổ chức sản xuất an toàn, nếu có lây nhiễm thì gói gọn trong một bộ phận. Trên thực tế có doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh yêu cầu dừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn. Muốn hoạt động lại phải đảm bảo tiêu chí an toàn. TP khuyến nghị cho các doanh nghiệp, phối hợp với TP thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, hạn chế lây lan nếu phát hiện trễ.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề hoạt động từ thiện có được hoạt động hay không? Ông Dương Anh Đức cho biết, liên quan đến hoạt động tự thiện muôn hình vạn trạng, cố gắng tạo điều kiện để hoạt động, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn. Cần nhất vẫn là đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch.
Dừng toàn bộ hoạt động vận tải
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy định mới nhất, kể từ 0 giờ ngày 9/7, các loại hình vận tải công cộng, kể cả xe liên tỉnh, quá cảnh qua TP không được hoạt động. Xe đưa rước công nhân và xe vận tải hàng hóa vẫn được hoạt động.
TP cho phép 400 xe taxi, túc trực tại một số địa điểm như bệnh viện để đưa đón người dân. Xe vận tải hàng hóa, xe phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động theo quy định; xe chở hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại được hoạt động, TP đã làm việc với 7 tỉnh lân cận để ấn định luồng xanh cho xe vận tải khi qua các trạm kiểm soát.
Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay 12 chốt chặn ra vào TP đã tái hoạt động. Tại mỗi chốt có 12 lực lượng phối hợp kiểm tra phương tiện, người ra vào TP. Lực lượng công an cũng sẽ tăng cường kiểm tra xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng.
Hệ thống cung ứng hàng hóa gặp khó khăn
Một vấn đề được báo chí quan tâm nhiều đó là tình trạng người dân đã đổ xô mua hàng hóa, giá cả một số mặt hàng tăng. Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa hết sức khó khăn, hệ thống phân phối bị ảnh hưởng, 3 chợ đầu mối và 148 chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động, siêu thị, cửa hàng thực phẩm phải ngừng hoạt động rất nhiều. Lực lượng lao động trong ngành cung ứng phải tạm ngưng làm việc nhiều.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương khẳng định, hàng hóa dự trữ đủ, vấn đề hiện nay là hệ thống phân phối không được đầy đủ nên dẫn đến ảnh hưởng chung. Khi có thông tin chuẩn bị giãn cách, có tình trạng người dân tập trung mua sắm nhiều trong 2 ngày vừa qua. Trong bối cảnh hàng hóa chuyển về TP gặp khó khăn, người dân đổ xô mua sắm, cầu tăng đột biến, khiến giá tăng...
Cũng theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, vấn đề hiện nay là giải pháp, Sở Công Thương nhận chỉ đạo của TP, ban hành hướng dẫn cho các địa phương, phát phiếu đi chợ, để các địa phương phát đến tận gia đình, mua sắm cách nhật để giảm mật độ người dân mua sắm hàng hóa.