Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh - dáng dấp của một siêu đô thị hiện đại

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ gói gọn trong 12 quận nội thành như vài chục năm trước, dáng dấp của một siêu đô thị (mega city) hiện đại đang dần hình thành. Hệ thống hạ tầng đang dần được cải thiện và hiện đại hóa đã tạo điều kiện để hình thành nên những khu đô thị mới ở phía Nam, phía Đông…

Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng
Để đáp ứng cho sự phát triển của một đô thị hiện đại, thời gian qua hệ thống hạ tầng TP Hồ Chí Minh đã có những thay đổi tích cực. Và quá trình này tiếp tục mạnh mẽ hơn khi một loạt dự án hạ tầng đô thị sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Chỉ 20 năm trước, TP Hồ Chí Minh chưa có hệ thống đường vành đai, đường cao tốc kết nối với các khu vực xung quanh, chưa có hệ thống cầu vượt tại các điểm giao cắt… Tuy nhiên đến nay, TP đã có hệ thống đường vành đai quanh TP gần hoàn chỉnh; hệ thống đường đường cao tốc kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối với các tỉnh miền Trung, hệ thống đường giao thông xuyên tâm... Nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của TP Hồ Chí Minh đang từng bước đồng bộ. Có thể kể đến hàng loạt các công trình lớn như mạng lưới giao thông trục Bắc - Nam, nâng cấp và mở rộng QL1A...
 TP Hồ Chí Minh đang ngày một mở rộng trở thành một siêu đô thị. Ảnh: Huy Khánh
Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long; đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây kết nối với các tỉnh, thành miền Trung; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng với tổng kinh phí lên đến hơn 31.000 tỷ đồng... giúp TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Hệ thống đường vành đai của TP cũng đang dần hoàn thiện như tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6 km với 13 nút giao thông và nhiều cầu (Bình Lợi, Gò Dưa, Rạch Lăng, cầu cạn vượt QL13…). Chỉ tính riêng hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Bắc TP, xoay quanh Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, các ngành chức năng đang triển khai đồng thời 22 dự án giao thông, với số vốn đầu tư khổng lồ.

Mạng lưới đường sắt đô thị là một câu chuyện mới mẻ của TP. Tuy nhiên, không bao lâu nữa tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng chiều dài 19,7 km, gồm 14 ga sẽ chính thức đưa vào sử dụng. Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Tham Lương – Bến Thành) với tổng chiều dài 11 km cũng đang được triển khai xây dựng.

Một loạt dự án đường sắt đô thị khác cũng đang được triển khai, có thể kể đến như Tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn); Giai đoạn 2 (Ngã 4 Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới)… Nếu có một điều gì đó ở TP Hồ Chí Minh thay đổi nhanh theo hướng tích cực, có lẽ đó chính là hệ thống hạ tầng giao thông. Sự thay đổi của hệ thống hạ tầng giao thông đã tạo ra sự thay đổi bộ mặt của các TP từ nội thành ra đến ngoại thành. Những khu vực mới phát triển, với hệ thống hạ tầng đồng bộ đã mang đến một diện mạo hiện đại cho TP.

Đa trung tâm

Vài chục năm trước, khái niệm trung tâm TP Hồ Chí Minh để chỉ một khu vực bao gồm các quận 1, quận 3 và một phần của quận 5. Ngày nay, khu trung tâm TP đã quy hoạch lại có tổng diện tích 930 ha, bộ mặt của khu trung tâm đã và đang thay đổi hàng ngày.

Ngày nay, khái niệm trung tâm TP vẫn còn đó nhưng đã có thêm những trung tâm mới của các khu vực mới phát triển. Ở phía Nam TP có Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, hạt nhân là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, được đầu tư từ năm 1993. Ngày nay, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã phát triển rực rỡ, đầy đủ chức năng của một khu đô thị hiện đại như thương mại, tài chính, dịch vụ, cư trú, y tế, văn hóa, giải trí và giáo dục…

Ở khu vực phía Đông của TP, một trung tâm mới cũng đang hình thành, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích 657ha được quy hoạch để trở thành một trung tâm mới của TP, nằm đối diện với trung tâm cũ, ngăn cách bởi sông Sài Gòn. Tốc độ đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể nói là nhanh nhất từ trước đến nay, chỉ trong vòng chưa đến 5 năm đã có một số khu đô thị mọc lên trên bán đảo này.

Trong tương lai không xa, theo chiến lược phát triển của TP sẽ có thêm một số trung tâm khác như ở khu vực Củ Chi… để hoàn thiện bức tranh phát triển đa trung tâm của TP.

Trên con đường tiến tới một siêu đô thị hiện đại, những nhà hoạch định chính sách đang có những ý tưởng biến 3 quận phía Đông TP gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo. Theo những hoạch định ban đầu, đô thị sáng tạo phát triển dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Hiện tại tại đây đã hình thành các cơ sở kinh tế quan trọng như khu công nghệ cao với 35.000 công nhân; hơn 10 trường đại học lớn đóng trên địa bàn quận Thủ Đức…

Chỉ trong vòng vài chục năm, TP Hồ Chí Minh đã có những bước tiến dài trong phát triển đô thị. Dù vẫn còn nhiều việc phải làm song vóc dáng của một siêu đô thị hiện đại, gần gũi với thiên nhiên đã và đang được hình thành trên TP mang tên Bác.