Nguyên nhân dẫn tới việc xuất hiện các “hố tử thần” đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia có thể nguyên nhân là do hang ngầm đá vôi kết hợp với hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng đường sá, nhà cửa quá nhiều làm tăng tải trọng lên lớp đất đá bên trên, sự thay đổi về điều kiện khí tượng thủy văn, việc sử dụng đất dẫn đến thay đổi dòng chảy bề mặt. Các chuyên gia địa chất cho biết đất ở những nơi xuất hiện hố tử thần thường chứa nhiều chất cứng dễ phân hủy hoặc hòa tan như đá vôi, carbonate và tầng muối. Khi nước ngầm chảy qua những chất cứng đó, chúng sẽ phân hủy hoặc hòa tan, để lại hố và hang ngầm. Khi vòm của những hang ngầm sụp xuống, nó kéo theo cả phần đất phía trên khiến hang hiện ra. Các hố ở Việt Nam chủ yếu xuất hiện ở các vùng đá vôi. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện tượng này xảy ra có thể do tác động của con người.
Hố tử thần trên đường Trường Sa có kích thước lớn, thậm chí có thể "nuốt" được một chiếc xe buýt |
Ở TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, việc các “hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều và kích thước của chúng ngày càng lớn khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng. Cụ thể, vào khoảng 3h sáng 4/8, một hố tử thần rộng gần 15m2 bất ngờ xuất hiện làm khoảng 4 m mặt đường Trường Sa cùng hơn nửa phần vỉa hè bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị lún sâu. “Hố tử thần” này có đường kính là 7x7m rạn nứt, hở hàm ếch, có vị trí bị sụt lún sâu khoảng 0,7m. Đến ngày 5/8, “hố tử thần” trên đường Trường Sa tiếp tục mở rộng diện tích, mặt đường sụt hẳn xuống tạo thành một hố rất sâu với chiều rộng 5m, dài 7m, sâu hơn 3m. Bên trong lòng hố xuất hiện bùn nhão. Theo ông Hà Ngọc Trường - kỹ sư cầu đường tại TP Hồ Chí Minh nhận định đây là “hố tử thần” lớn nhất từng xuất hiện tại thành phố. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Trường nhận định có thể do đường ống cống nằm sâu dưới mặt đường bị vỡ tạo thành khoảng hở rộng. Khi mưa xuống, lớp đất đá ở bên trên bị cuốn vào bên trong cống và biến chúng thành bùn nhão. Do đó, phía trên xuất hiện khoảng hở lớn và sụp lún dần tạo thành "hố tử thần". Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh cho biết hiện đã tiến hành đóng cừ, cô lập vị trí để ngăn sụt lún mới, kết hợp đóng van cống kiểm soát triều kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để không cho nước trong lòng kênh dâng theo triều cường, hạn chế tình trạng cuốn đất, cát. Kỹ sư Hà NgọcTrường cũng cho biết thêm, tại vị trí này đã xảy ra hai lần sụp lún. Cụ thể là ngày 4/3 và ngày 20/4, tuy nhiên cả hai lần đều lún nhẹ nên nhà thầu thực hiện việc bù mặt đường bằng cách đắp bê tông lên bề mặt lún. Sáng 3/8 mặt đường lại bị lún nhưng nặng hơn buộc các đơn vị liên quan phải phong tỏa hiện trường để xử lý. Đến sáng 4/8 bề mặt này lan rộng và sụp xuống tạo thành "hố tử thần" với chiều ngang 4m, dài 7m và sâu đến 3m, có thể nhét được chiếc xe buýt. Nếu không sửa chữa ngay, nó sẽ sụp lún vào cả nhà dân gây hậu quả nặng nề hơn. Theo nhận định ban đầu, thì có thể do quá trình thi công dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tác động đến cống thoát nước của hệ thống cống nối qua đường Hoàng Sa,ở độ sâu 5m so với mặt đường, khiến mặt cống bị sụp hố, gây đứt gãy nên nước thoát ra với lưu tốc mạnh, tiếp tục làm xói đất cát đá phủ lên trên cống. Đây không phải lần đầu tiên việc thi công của các đơn vị làm đường hoặc ống nước gây tác động đến các cống thoát nước làm đứt gãy dẫn đến tình trạng xói mòn đất bên dưới. Trước đó, vào ngày 26/5, một "hố tử thần" có diện tích 0,5x1 m xuất hiện trên mặt đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP..HCM ngay sau khi đơn vị thi công đào đường đêm 25/5 vừa tái lập mặt đường. “Hố từ thần” xuất hiện trên trước nhà số 431, đường Hai Bà Trưng khiến xe cộ qua lại gặp nhiều khó khăn, người dân phải đặt bao bố vào hố và có báo hiệu cho xe cộ qua lại. Theo đội 3 Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, Công ty Cổ phần Đại Lộc là đơn vị thi công sửa chữa tuyến ông cấp nước trên (do Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư) đã vi phạm tái lập mặt đường không đúng nguyên trạng. Đội trưởng đội 3 Thanh tra sở Giao thông Vận tải P Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Thành cho biết đến cuối đầu tháng 6/2016, đội đã kiểm tra xử phạt 37 đơn vị thi công lấp mặt đường với số tiền phạt 193 triệu đồng. Trong cuộc họp bàn nguyên nhân và giải pháp khắc phục hiện trạng sụt lún trên các tuyến đường của thành phố, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước hiện trạng này. Đặc biệt, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 thông tin thêm cùng thời điểm xảy ra vụ sụt lún, cách đó 50 mét về phía địa phận của Tân Bình cũng xuất hiện tình trạng sụt lún, với diện tích chiều rộng 0,4 m sâu 0,5 mét. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, các nguyên nhân chính gây sụt lún mặt đường trong thời gian qua là do các công trình hạ tầng kỹ thuật xuống cấp gây vỡ, cuốn trôi đất cát, tạo ra các lỗ hổng. Bên cạnh đó, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm các quy trình thi công và nghiệm thu hiện hành... Biện pháp trước mắt để hạn chế bớt sự xuất hiện của các “hố tử thần” là cần các sở ngành phải phối hợp xử lý ngay và căn cơ các vụ sụt lún, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đồng thời các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa nghiệm thu, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình. Ngoài ra, từng đơn vị cần ban hành quy chế cụ thể quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan (đơn vi thi công, đơn vị tư vấn giám sát,…). Nếu để xảy ra sự cố lún, sụt mặt đường, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.