TP Hồ Chí Minh: Học sinh học trực tiếp không được quá 50% học sinh toàn trường

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/1, để chuẩn bị cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh yêu cầu tại một thời điểm, số lượng học sinh học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của trường. Với trường có tổ chức bán trú, giờ học trực tiếp trên lớp không vượt quá 8 tiết/ngày.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu việc tổ chức dạy học trực tiếp phải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục.

Học sinh khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 ở TP Hồ Chí Minh sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/1/2022. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet).
Học sinh khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 ở TP Hồ Chí Minh sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/1/2022. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet).

Cụ thể, tổ chức thực hiện dạy học trực tiếp có thể bố trí lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Chú ý việc bố trí sắp xếp thời khóa biểu dạy học trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh đưa đón con khi đến trường học trực tiếp.

Trong đó, việc bố trí thời lượng dạy học trực tiếp đảm bảo nguyên tắc: tổng thời lượng dạy học, hoạt động giáo dục của từng khối lớp (tổng thời lượng dạy trực tiếp và dạy học trên internet qua hệ thống quản lý học tập) phải đảm bảo đầy đủ theo quy định và được xây dựng trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài thời lượng dạy học trực tiếp) được thực hiện qua hình thức trực tuyến và được quản lý bằng hệ thống quản lý học tập.

Các cơ sở giáo dục được chủ động trong sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp nhưng tại cùng một thời điểm, số lượng học sinh học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của trường.

Đối với trường có tổ chức dạy học cả ngày ở trường (thực hiện bán trú theo quy định an toàn phòng chống dịch), không được tổ chức giờ học trên lớp vượt quá 8 tiết học trực tiếp/ngày. Thời lượng dạy học trực tiếp được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện phòng học đồng thời tuân thủ giãn cách theo quy định của ngành y tế.

Riêng với công tác tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức và kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT quy định được thực hiện trực tiếp tại trường từ ngày 4 - 22/1/2022. Hiệu trưởng các trường được giao trách nhiệm tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh và tổ chức kiểm tra định kỳ đúng quy định.

Đối với học sinh khối 6 và học sinh thuộc các khối lớp khác, vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp trong khoảng thời gian quy định, sẽ được kiểm tra sau khi quay lại trường học trực tiếp để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trên internet kéo dài.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, học sinh khối 6 chưa thể đến trường học tập trực tiếp, Sở GD&ĐT sẽ xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 cho các em. 

Trước đó, ngày 31/12, UBND TP chính thức có văn bản về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Theo đó, học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 tại TP sẽ chính thức đi học trực tiếp từ ngày 4/1/2022. Riêng xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến 12 sẽ được đi học trực tiếp từ ngày 4/1.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần thiết), tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp đối với từng cấp học, bậc học và linh hoạt theo cấp độ dịch; kịp thời tham mưu với UBND TP việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh  từ lớp 1 đến lớp 6 và trẻ em mầm non. Đồng thời tổ chức ôn tập kiến thức và kiểm tra học kỳ một tại lớp cho học sinh học trực tiếp trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 22/1.