TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương hoàn tất chi tiền hỗ trợ đợt 3 cho người dân

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn tất chi hỗ trợ và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra, thanh quyết toán và báo cáo HĐND Thành phố.

Theo đó, UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ chi trả đối với danh sách đã duyệt để kết thúc chi hỗ trợ đợt 3.
Cụ thể, các quận, huyện và TP Thủ Đức đến hết ngày 30/10; riêng quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (có số lượng duyệt chi hỗ trợ đông) gia hạn đến hết ngày 7/11.
Đối với các trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ (do không có mặt tại địa phương vào thời điểm chi), UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục thông báo và đề nghị người dân đến nhận trước ngày 31/10.
 Cán bộ địa phương đối chiếu danh sách người nhận hỗ trợ đợt 3 tại trường Tiểu học Tân Trụ. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Sau ngày 31/10, UBND xã, phường, thị trấn lập danh sách các trường hợp không nhận hỗ trợ (bao gồm các trường hợp từ chối nhận hỗ trợ và các trường hợp là người lưu trú có mặt lúc lập danh sách nhưng đã rời khỏi địa phương tại thời điểm chi trả) gửi UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để báo cáo UBND TP xem xét, xử lý (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp).
Đối với các đối tượng thuộc nhóm 1, 2, 3 và 4 theo quy định tại Công văn 3181 chưa nhận hỗ trợ do đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương thì sau ngày 31/10, UBND TP cho phép UBND xã, phường, thị trấn giữ tiền lại để tiếp tục chi trả.
Ngoài ra, thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được quyền ký nhận thay (thuộc nhóm đối tượng 1, có hộ khẩu thường trú).
UBND TP cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị báo cáo phục vụ công tác kiểm tra việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, hoàn tất trước ngày 31/10. Trong đó tập trung lưu ý một số nội dung về những bức xúc, khiếu nại, phản ánh của người dân đã chuyển về cho các địa phương xem xét xử lý. Song song, thống kê số lượng đơn thư khiếu nại, kiến nghị, số lượng đã kiểm tra rà soát, số lượng đã giải quyết và số lượng không giải quyết, cách thức xử lý các vấn đề phát sinh…
Chiều 29/10, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, đến nay Thành phố đã chi gói hỗ trợ đợt 3 đạt tỷ lệ 75,5% với 5.647.346/7.481.610 người được nhận.
Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ cao như quận 5 với 98,9%; quận Phú nhuận đạt 98,7%, TP Thủ Đức đạt 96,7%, huyện Cần Giờ 96,1%, quận 1 với 95,6%, huyện Củ Chi đạt 91,2%.
Một số địa phương có tỷ lệ chi hỗ trợ thấp như huyện Bình Chánh với 41,1%, quận Bình Tân với 50,8%, quận 12 đạt 58,6%.
Gói hỗ trợ đợt 3 được TP thông qua hồi cuối tháng 9, với kinh phí 7.300 tỷ đồng, giúp đỡ 7,3 triệu người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do Covid-19. Khác những đợt trước, lần hỗ trợ này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận 1 triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.
Trong đợt hỗ trợ lần 3 này, TP đã triển khai qua ứng dụng App SafeID Delivery do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển để chi hỗ trợ. QTSC cung cấp tài khoản, tập huấn sử dụng ứng dụng cho chính quyền cơ sở; đồng thời phối hợp hỗ trợ chính quyền rà soát, lọc danh sách người không hưởng lương, thực hiện chi hỗ trợ theo danh sách được phê duyệt thông qua ứng dụng này trên điện thoại.
TP Hồ Chí Minh dùng ngân sách chi trả cho cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế ngoài công lập nói rõ vấn đề chi trả cho các đơn vị này khi tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian chờ hướng dẫn từ các bộ ngành trung ương.
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở y tế tư nhân tham gia thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, về chi phí điều trị Covid-19, trước mắt, ngân sách thanh toán cho các cơ sở y tế ngoài công lập theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT, Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019.
Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của cơ sở y tế công lập.
Phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí thực tế phát sinh trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế ngoài công lập do các đơn vị cân đối thực hiện, bao gồm cả việc cho phép các cơ sở y tế thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí.
Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi toàn bộ chi phí điều trị không cần sử dụng ngân sách, Sở cho phép các cơ sở y tế tư nhân thực hiện cam kết tự nguyện của bệnh nhân để trang trải chi phí.
Về chi phí liên quan đến điều trị bệnh Covid-19, ngân sách nhà nước chi trả cho người bệnh chi phí cách ly y tế và chi phí mai táng. Phí cách ly y tế gồm tiền ăn 80.000 đồng/bệnh nhân/ngày, chi phí sinh hoạt là 40.000 đồng/bệnh nhân/ngày.
Trường hợp người bệnh điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế ngoài công lập tử vong thì ngân sách nhà nước chi trả các chi phí mai táng tương tự như các bệnh viện công lập hiện nay, tức theo chi phí thực tế phát sinh, nhưng không quá 17 triệu đồng/trường hợp.