Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Khát vọng trở thành đô thị phát triển bền vững

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước năm 1975, Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh từ một đô thị mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” chìm trong lửa đạn chiến tranh.

Sau ngày 30/4/1975, lịch sử TP Hồ Chí Minh đã sang trang mới, với những khát vọng hòa bình, phát triển mọi mặt và khôi phục vị thế lớn mạnh như trước kia. Trải qua 42 năm thăng trầm cùng bao thử thách, song chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng thay đổi diện mạo mới, sớm phấn đấu để đạt mục tiêu trở thành đô thị phát triển bền vững…
Đổi mới để luôn là lá cờ đầu
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 8/1979, Thành ủy TP Hồ Chí Minh ra Nghị quyết 9 nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để khôi phục sản xuất, dịch vụ, chăm lo cải thiện đời sống người dân. Hướng tháo gỡ trước hết là thoát ra khỏi cơ chế cũ, loại bỏ chế độ cấp phát - giao nộp, thiết lập quan hệ kinh tế thị trường, giao quyền chủ động cho cơ sở để tăng hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người lao động.
Vì thế, kinh tế TP Hồ Chí Minh từng bước phát triển, năm 1976, GDP trên đầu người chỉ có 215 USD, năm 1980 là 290 USD, năm 1985 đã đạt 395 USD. Trong những năm 1976 - 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP là 2,2%/năm, giai đoạn 1981 - 1985 đã đẩy tốc độ tăng trưởng vượt lên 8,2%/năm…

Ảnh: Sông Hương

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), TP Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Nhưng TP vẫn từng bước vượt qua những hạn chế, trì trệ trong quản lý, với tư duy luôn đổi mới, điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế.
Kết quả, từ 1991 - 1995, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng mạnh, từ 9,8% năm 1991 lên 15,3% năm 1995. Giai đoạn 1996 - 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á khiến tốc độ tăng trưởng GDP của TP có giảm sút, nhưng vẫn cao nhất cả nước (9%). Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng GDP của TP tăng liên tục trong 7 năm liền, năm sau cao hơn năm trước, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006, 12,6% năm 2007.
Tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX (2011 - 2015), TP có thêm niềm tin mới, đó là: Có nhiều sáng tạo mới để chủ động hội nhập và phát triển. Điểm nổi bật nhất ở đây là việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thiên về các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng KHCN cao. Đến Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), TP đã đưa ra 7 Chương trình đột phá liên quan đến các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển TP (giai đoạn 2015 - 2020).
Dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn tồn tại trong quá trình phát triển đô thị như kẹt xe, ngập nước, nhà ở, ATTP, ô nhiễm môi trường. Nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn thể hiện được năng lực “ứng biến” tốt, để tạo ra nhiều thành quả về kinh tế, xã hội. 
Tư duy “hành chính phục vụ”
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là sớm trở thành đô thị phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP phải tạo cho bằng được “thế cân bằng chân vạc”. Đó là phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện môi trường sống. Bên cạnh đó, TP cũng phải đạt được “4 tiêu chí ổn định” khác là: Quản lý tốt, môi trường cạnh tranh tốt, nguồn tài chính vững mạnh và cuộc sống người dân TP phải tốt.
Như vậy, để đạt được mục tiêu trở thành đô thị phát triển bền vững, TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cho bằng được 7 Chương trình đột phá. Đó là: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ, người dân TP mong muốn nhiều vấn đề được cải thiện tốt hơn, đặc biệt là về phát triển đô thị. Còn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước là những việc diễn ra hàng ngày, tồn tại từ lâu, đã và đang để lại nhiều hậu quả, bức xúc trong dư luận. Vì thế, TP cần một nguồn vốn rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Đó là giải pháp căn cơ nhất để khắc phục những tồn tại này nhưng không dễ thực hiện…
TP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, huy động nguồn lực xã hội hóa chính là chủ đầu tư được hoán đổi quỹ đất công dôi dư, mặt bằng kho bãi không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP; Thực hiện mở rộng biên giới thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhằm tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nói trên, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; Nâng cao vai trò của các cơ quan, đơn vị, kết nối thông tin thông suốt, đảm bảo kịp thời trong việc phát hiện và xử lý triệt để sai phạm.
Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, 7 Chương trình đột phá là một trong những chương trình lớn mà Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thông qua, với 14 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm từ 8 - 8,5% (tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước), chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp và thủy sản.
Về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền, phấn đấu TP Hồ Chí Minh trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, để hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng này, cũng như phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của vùng, của cả nước, nhiệm vụ của TP là tạo sự đột phá về nhiều lĩnh vực: Kinh tế - xã hội - môi trường. Theo tính toán sơ bộ, để thực hiện 7 Chương trình đột phá, nguồn vốn có thể sẽ cần khoảng 1.000.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tính năm 2017, TP chỉ thu ngân sách đạt 360.000 tỷ đồng. Vì thế, TP sẽ phải thay đổi cách làm, cách “tiếp cận” nguồn vốn để huy động mọi nguồn lực của xã hội…
Còn nhớ, phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khi đó là ông Võ Văn Thưởng (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư) đã bày tỏ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải sát cơ sở, gần dân, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, lắng nghe và thấu hiểu để tận tụy giải quyết kịp thời thấu tình, đạt lý lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, nhất là các vấn đề bức xúc trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống xã hội”. Những lời tâm huyết của ông Võ Văn Thưởng phần lớn đều nằm trong 7 Chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh.
Mong sao mục tiêu trở thành đô thị phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh sớm thành hiện thực!
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD (năm 2016 đạt khoảng 5.500 USD). Đến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng lao động làm việc. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 625.000 người lao động (bình quân 125.000 lao động/năm); tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm. Năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2; đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi); đạt tỷ lệ 20 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh đạt chuẩn quốc gia/10.000 dân...