Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh lập đề án thu phí hạ tầng cảng biển

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến tháng 8/2020, đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh sẽ được trình UBND TP xem xét, thông qua, từ đó thực hiện các thủ tục, ban hành quy định cụ thể.

Mới đây, trong báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND TP Hồ Chí Minh có nội dung đề cập về tình hình xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.
 TP Hồ Chí Minh học tập Hải Phòng, lên phương án thu phí hạ tầng cảng biển
Việc xây dựng đề án thu phí nêu trên dựa trên kinh nghiệm, mô hình đang thực hiện tại TP Hải Phòng - nơi triển khai đầu tiên việc thu phí hạ tầng cảng biển trong cả nước.
Theo Sở GTVT TP, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì cảng biển TP Hồ Chí Minh gồm 4 khu bến chính. Cụ thể: khu bến cảng Cát Lái (7 cảng); khu bến cảng trên sông Sài Gòn (12 cảng); khu bến cảng Nhà Bè (11 cảng), khu bến cảng Hiệp Phước (12 cảng).
Năm 2019, số container qua TP là 6,44 triệu TEU. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua cảng bình quân hàng năm là 5%, đồng thời sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chủ yếu bằng vận tải bằng đường bộ nên lưu lượng xe ra vào các cụm cảng rất lớn, trung bình mỗi ngày 26.000 lượt xe.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các cụm cảng phát triển chậm không theo kịp sự phát triển của các cảng biển dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên (nhất là tại khu vực bến cảng Cát Lái).
Đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của TP dù trong những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây hệ thống các đường trục và đường nhánh kết nối giữa các khu vực cảng biển.
Vì vậy, để có nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm ùn tắc, tai nạn, thời gian vận chuyển... trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Sở GTVT đánh giá việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về mặt địa lý và cơ sở pháp lý.
Về nguyên tắc xây dựng mức phí, Sở GTVT TP cho biết sẽ sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự TP như Hải Phòng, Quảng Ninh... để lựa chọn mức phí phù hợp. Sau khi thu phí, dự kiến sẽ trích lại tối đa không quá 10% số thu để phục vụ công tác thu phí như Hải Phòng đang làm.
Hiện nay, trong việc xây dựng đề án, Sở GTVT đã lập tiến độ thực hiện cụ thể và dự kiến đến tháng 8 sẽ hoàn thiện, trình đề án cho UBND TP.

Ngày 1/1/2017, UBND TP Hải Phòng đã triển khai Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, ngày 13/12/2016 của HĐND TP Hải Phòng về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Trong đó, nêu rõ, mức phí áp dụng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan thu 2,2 triệu đồng/container 20 feet hàng khô và 4,4 triệu đồng/container 40 feet hàng khô, 2,3 triệu đồng/container 20 feet hàng lạnh và 4,8 triệu đồng/container 40 feet hàng lạnh, 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời...