Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: “Nghẹt thở” vì cao ốc phá nát quy hoạch

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó thì ngành xây dựng lại cấp phép cho hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn đổ bộ vào nhiều tuyến đường trọng điểm của TP, đặt ra dấu hỏi lớn về quy hoạch.

Cao ốc “bao vây” trung tâm
TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, tuy nhiên chính sách quy hoạch của thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Người dân TP Hồ Chí Minh lo ngại TP sẽ trở thành những khu “rừng bê tông” như nhiều nơi trên thế giới.
Mặc dù khu vực trung tâm TP đã quen cảnh “đất chật người đông”, nhưng hiện nay đang phải gồng mình gánh thêm hàng loạt những dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại, công trình đông người càng dẫn đến tình trạng tệ hơn cho giao thông đô thị.
Tiêu biểu như tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (quận 4)... Đằng sau tốc độ đô thị hóa chóng mặt là bài toán hạ tầng chưa có lời giải.
 Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 3km mà có tới 6 dự án Bất động sản lớn với khoảng 20.000 căn hộ. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ có 3 cư dân ở thì đã có 60.000 dân sinh sống tại dây!
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) được biết đến chỉ có chiều dài khoảng 3 km, rộng khoảng 30m cho 6 làn xe, nối từ Tôn Đức Thắng quận 1 đến Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đang phải oằn lưng gánh hàng loạt dự án với hàng chục ngàn căn hộ.
Với vị trí đắc địa, sát bên quận 1 nên gần chục khu chung cư đua nhau dựng lên san sát trên tuyến đường này. Tính trung bình, cứ 500m lại có một dự án bất động sản mọc lên ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đáng chú ý, số lượng căn hộ ở mỗi dự án tại đường Nguyễn Hữu Cảnh quá lớn. Ở đây, nếu tính trung bình mỗi căn hộ có 3 cư dân ở thì chỉ riêng 6 dự án bất động sản đã có 60.000 dân sinh sống. Chưa kể khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, biệt thự, bệnh viện... phục vụ cho những dự án này.
Điều này khiến hạ tầng kỹ thuật đường Nguyễn Hữu Cảnh quá tải. Trong khi đó, trên thực tế, Nguyễn Hữu Cảnh là con đường bị ngập nặng nhất của TP mỗi khi trời mưa và kẹt xe.
Tương tự, đường Nguyễn Hữu Thọ với vị trí gần sông gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khoảng cách tới trung tâm chỉ mất 10-15 phút, đây là địa điểm vàng được các chủ đầu tư lựa chọn để phát triển các khu cao ốc.
Dù hạ tầng quá tải, giá bán các chung cư quận 7 vẫn tăng nhanh thuộc tốp đầu tại TP. Sau 5 năm, giá bán căn hộ trung bình tại quận này tăng gần 29%.
Ngoài hàng chục dự án phát triển dọc tuyến đường, đường Huỳnh Tấn Phát còn gánh các cụm chung cư 2 đầu. Riêng Phú Mỹ Hưng đã có 30.000 cư dân với hàng chục chung cư cao tầng được xây dọc đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh và xung quanh khu vực hồ Bán Nguyệt.
Đây cũng là con đường chính ra vào khu chế xuất Tân Thuận nên xe tải, xe container hoạt động ngày đêm và thường xuyên ùn tắc.
 Đây là 'rừng bê tông' trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.
Hay tại quận 4, dọc tuyến từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ, hàng loạt dự án cao ốc mọc lên san sát từ thời điểm kênh Tàu Hũ - Bến Nghé được chỉnh trang. Tại Bến Vân Đồn, chỉ khoảng 3 km dọc con kênh đã có hơn chục dự án cao ốc, tạo áp lực lên giao thông, hạ tầng.
Ngoài những khu vực trên, một loạt tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, đường 3/2, Cộng Hòa... cũng dày đặc cao ốc ở ven đường. Không ít trong số đó vốn nổi tiếng là điểm trũng mỗi khi triều cường và là điểm đen về ùn tắc giao thông.
Quy hoạch đô thị mất kiểm soát
Những khu đô thị mới, tòa chung cư mọc lên san sát ở TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhiều trục đường ở TP vào tình cảnh “tắc thở”, kéo theo nhiều lỗ hổng về cơ sở hạ tầng trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng cũ không còn đủ khả năng đáp ứng
Hiện nay, có rất nhiều dự án được xây lên chủ yếu với mục đích thương mại, không chú trọng đến chất lượng sống, môi trường khí hậu, trở thành những cỗ máy tiêu thụ năng lượng khủng khiếp trong tương lai. Nhiều nhà cao tầng dù xây cao nhưng chưa đáp ứng đầy đủ sự thuận tiện đi lại, giao lưu cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cư dân sống trong đó luôn cảm thấy thiếu thốn, ngột ngạt. Vấn đề vì khí hậu chưa được giải quyết tốt, khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa bởi khoảng không gian xanh hiếm hoi đã bị lấp đầy bằng những bức tường bê-tông.
Căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy, TP đang phải đối mặt với vấn đề quy hoạch bị phá vỡ, cơ sở hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển của những dự án chung cư mới.
Cụ thể, nhiều dự án chung cư được cấp phép một cách tùy tiện, bị tăng tầng, nâng mật độ, quy hoạch ở các đô thị được điều chỉnh để tăng lợi ích tối đa cho các nhà đầu tư, đồng thời giảm tiện ích cho người dân. Tình trạng này đã kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội nhức nhối như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện nước, xử lý nước thải…
 Cảnh kẹt xe và ngập nước diễn ra như 'cơm bữa' ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Trọng Văn, kĩ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư cần phải thực hiện đánh giá tác động giao thông đối với dự án dựa trên năng lực đáp ứng giao thông của hệ thống giao thông hiện có. Từ các kết quả này dẫn tới việc cho chủ đầu tư chỉ được phép có tổng diện tích sàn xây dựng tương ứng, hoặc chủ đầu tư phải có phương án đầu tư, xây dựng thêm hệ thống giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá tác động giao thông nói riêng và sự phát triển đô thị nói chung
Hy vọng với các định chế từ ngành giao thông sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng hiện nay hầu hết các chủ đầu tư đều chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng các nhà cao tầng mà chưa thực sự có trách nhiệm với kết nối và bổ sung cho hệ tầng giao thông của TP.
Mới đây, trong báo cáo giám sát của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh đã có quy mô dân số ở mức siêu đô thị theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc đưa ra.
Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho biết tốc độ gia tăng dân số của TP là 200.000 người/năm, đồng nghĩa với việc cứ 5 năm, thành phố lại có thêm 1 triệu cư dân. Với tốc độ này, chỉ trong gần 10 năm nữa, TP sẽ trở thành một trong những siêu đô thị mới của khu vực với hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ. 
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), TP đứng ở vị trí thứ 3 trên tổng số 4.000 đô thị lớn ven biển trên thế giới đang bị đe dọa bởi nước biển dâng, chỉ sau Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines). 
Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, nhận định  khả năng TP chìm xuống dưới mực nước biển như Jakarta sẽ không còn là viễn cảnh xa vời nếu không có những giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chính quyền thành phố vẫn đang loay hoay với bài toán quy hoạch.

Theo số liệu trong Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình bày hôm 27/5, đất dành cho giao thông TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.

TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ vào tốp đầu cả nước, hơn 40%, từ 1/7/2014 đến hết năm 2018, TP có 181 dự án phải điều chỉnh quy hoạch.