Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Nguồn nước đứng trước nguy cơ mất an toàn

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP về hiện trạng hệ thống cấp nước và kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng hoạt động cung cấp nước sạch đang đạt công suất ổn định nhưng về lâu dài, TP đang đứng trước nhiều yếu tố gây bất lợi cho nguồn nước.
Nguồn nước toàn thành phố được khai thác từ cuối lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước có nguy cơ đối mặt với việc ô nhiễm nguồn nước thô trong tương lai do tác động của sự phát triển đô thị. Trong khi đó, TP còn thiếu kế hoạch dự phòng để ứng phó với những diễn biến bất thường của nguồn nước thô.
Người dân huyện Củ Chi mua nước sạch tại điểm lấy nước tập trung.
Sở Xây dựng cũng đánh giá mạng lưới cấp nước sạch của TP dù được đầu tư và phát triển nhanh nhưng theo thời gian, nhiều hạng mục được đầu tư đã cần phải cải tạo. Quy hoạch mạng lưới cấp nước được cấu tạo mạng vòng, thiếu các bể chứa nước để điều phối trong các trường hợp.
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP cần sớm kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch (theo quyết định thành lập năm 2013). Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị TP sớm chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch cấp nước để có cơ sở trình Thủ tướng.
Đối với các chương trình kế hoạch cấp nước an toàn và đảm bảo an ninh nguồn nước, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu và tạo điều kiện hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách.
Sử dụng nước máy đã hơn 20 năm, gia đình ông P (quận Tân Bình) cho biết: "Nhà tôi không ngày nào là không nghe mùi clo xộc lên mũi mỗi khi mở vòi nước. Mất tiền mua nước nhưng hàng ngày phải ăn nước ô nhiễm thì đáng sợ quá. Có lẽ gia đình tôi phải sắm thêm cái máy lọc nước cho an tâm”, ông P nói.
Vì lo ngại nguồn nước không an toàn, gia đình chị T (quận 6) cho biết, gia đình chị không dám lấy nước máy bơm trực tiếp để nấu ăn. Hằng ngày chị T thường lấy một chiếc xô lớn để hứng nước máy, sau đó để vài giờ cho mùi clo bay đi, đồng thời để lắng cặn thì mới dám dùng.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, bác sĩ Bùi Quang Phục cho biết, nguồn nước ô nhiễm dễ kéo theo nhiều bệnh tật không mong muốn cho người sử dụng, thông thường nước ô nhiễm chứa hàm lượng quá cao của sắt và mangan sẽ gây khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt không có lợi đối với trẻ em.
“Các kim loại nặng trong nước ô nhiễm như crom sẽ gây viêm da, u nhọt, hay những chất ô nhiễm “mới” như hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh hay hợp chất gây rối loạn nội tiết tố cũng rất độc hại”, bác sĩ Phục phân tích.
Cách súc rửa bồn chứa nước
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh hướng dẫn:
Bước 1: Xả hết nước trong bồn chứa hoặc sử dụng hết nước trong hồ (bồn) chứa trước khi súc rửa.
Bước 2: Chà rửa thành bên trong, bên ngoài bồn chứa bằng bàn chải mới.
Bước 3: Súc rửa lại bằng nước và bơm nước rửa thành bồn ra hết.
Bước 4: Xả đầy nước vào bồn chứa nước và cho hóa chất cloramin B 25% (10-20g/m3 ) vào và ngâm qua đêm.
Bước 5: Xả hết nước đã ngâm và lấy lại nước mới vào bồn chứa nước.
Lưu ý: Khi thực hiện vệ sinh bồn chứa, cần đảm bảo chế độ thông thoáng, trong bồn chứa phải có đủ ôxy trước khi súc rửa. Nếu cảm thấy có mùi khó chịu phải mở nắp bồn một thời gian hoặc sử dụng quạt thông gió cho hết mùi, đeo mặt nạ dưỡng khí trước khi vào bồn chứa.