TP Hồ Chí Minh: Nhiều ca mắc Covid-19 ở quận Bình Tân chưa xác định được nguồn lây

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/5, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thông qua xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện 5 trường hợp mắc Covid-19 tại quận Bình Tân, tuy nhiên đến nay chưa rõ nguồn lây.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), từ 18 giờ ngày 17/6 đến 6 giờ ngày 18/6 trên địa bàn TP ghi nhận có thêm 60 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, có 5 trường hợp đang tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra dịch tễ. Họ được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại quận Bình Tân.
Ngoài ra, 24/55 bệnh nhân đã được cách ly từng có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
55 trường hợp này bao gồm 51 người từng tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 đã được công bố, 4 trường hợp liên quan điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Các chuỗi lây nhiễm đang được thành phố giám sát và kiểm soát chặt.
 Tình hình dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây
Trước đó, ngày 17/6, đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (HCDC) nhận định, thời gian qua sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng thì TP phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, số lượng người nhiễm bệnh cao, như chuỗi liên quan chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, xưởng cơ khí Hóc Môn...
Theo bác sĩ Yến, đặc điểm của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch thứ 4 này là lây nhiễm thông qua các tiếp xúc sinh hoạt thường ngày tại nơi cư trú, nơi làm việc. Bệnh nhân lây nhiễm từ nơi cư trú rồi mang vào nơi làm việc, rồi lại từ nơi làm việc mang về nơi cư trú tạo thành những chu kỳ lây nhiễm qua lại.
"Có thể hình dung điều này như quả bóng bàn nảy qua chỗ này rồi lại bật sang chỗ khác", bác sĩ Yến phân tích. Do đó, khi phát hiện các trường hợp chỉ điểm qua khám sàng lọc tại bệnh viện thì khi điều tra truy vết, ngành y tế phát hiện ra các chuỗi lây đã lây nhiễm qua lại vài chu kỳ.
Có những chuỗi lây nhiễm nằm chung trong con hẻm, dãy nhà trọ, dãy nhà hàng xóm cùng một ấp. Đây là nơi mà bệnh nhân có những tiếp xúc với nhau theo sự gần gũi của xóm giềng. Những sinh hoạt làng xóm trước đây là một nét đẹp trong văn hóa người Việt thì trong thời buổi dịch bệnh hiện nay lại trở thành mối nguy khiến dịch bệnh lây lan.
Nhiều chuỗi lây nhiễm tại nơi làm việc khi có sự giao tiếp giữa các đồng nghiệp khi trao đổi công việc, sinh hoạt nội bộ, ăn cơm cùng để nói chuyện giờ nghỉ trưa. Những tiếp xúc này vốn là bình thường và cần thiết để duy trì mối liên hệ công việc nhưng giờ đây cũng là nguy cơ.
"Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó họ trở thành F0, hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, trong thời gian này, khi tiếp xúc trực tiếp với người khác, hãy xem họ như một F0 để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh", bác sĩ Yến phân tích.
Mỗi người cần hình thành những thói quen mới để cùng nhau ứng phó dịch bệnh. Một người bị lây virus, khi không tiếp xúc người khác thì con đường lây nhiễm của virus sẽ dừng lại.
"Trước khi có vaccine để giải quyết căn cơ Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc là vũ khí rất quan trọng", bác sĩ Yến nêu. Đó là lý do vì sao TP phải áp dụng biện pháp giãn cách nhằm hạn chế các tiếp xúc xã hội không cần thiết. Đồng thời, thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn luôn đúng, cho đến hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần