Doanh nghiệp khủng hoảng
Số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), từ đầu năm đến nay các hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS được khởi động lại một cách chậm chạp, tiếp nối sự giảm sút từ năm 2019 và những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, số lượng giao dịch ít. Từ trước Tết Nguyên Đán có hiện tượng rút vốn, chấp nhận không lời hoặc chiết khấu với mức cao (lên tới 10% tại một số dự án – PV). Điểm nghẽn của thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh ở thời điểm hiện tại là các sản phẩm khó thanh khoản, do đang ở mức giá cao.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp BĐS. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của TP, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp BĐS. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp BĐS lại chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của TP này.
“Mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của TP, nhưng lĩnh vực BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn ngày càng khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015 - 2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 09 ngành dịch vụ chủ yếu của TP” – ông Châu cho hay.
Các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh đang khủng hoảng vì những vấn đề thủ tục hành chính và đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa). |
Đến thời điểm hiện tại, khi đã gần hết quý I/2020, nhưng các hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.
Tính từ năm 2019 đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 07 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.
“Từ năm 2017 đến nay, TP Hồ Chí Minh có 158 dự án có sử dụng đất công, thuộc diện rà soát, thanh tra. Trong đó, có 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 03/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường. Còn 34 dự án vẫn nằm chờ kết luận thanh tra” – ông Châu cho biết thêm.
Bán nhà khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính?
Trước những khó khăn chung của thị trường, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và tác động đến cả môi trường kinh doanh.
HoREA đề xuất cho phéo bán nhà ở hình thành trong tương lai sau khi DN hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. |
HoREA cũng đề xuất TP Hồ Chí Minh rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép đối với một dự án BĐS, gồm: Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp Giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì chủ đầu tư được phép bán nhà ở, hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; được Sở Tài nguyên Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án hoặc cho từng thửa đất, từng căn hộ nếu chủ đầu tư có yêu cầu theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo lý giải của HoREA, thời gian thi công xây dựng dự án nhà ở thương mại trung bình mất khoảng trên dưới 03 năm mới đủ điều kiện được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, được duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, mà chủ đầu tư không được khởi công xây dựng dự án theo quy định của Luật Xây dựng, thì sẽ làm tăng thêm chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí đầu tư dự án, làm tăng giá thành nhà ở, dẫn đến giá bán nhà ở tăng theo, làm cho người mua nhà bị thiệt.