Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dân số TP mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy, chỉ có cách ứng dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất thì mới có thể giảm giờ làm việc.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Đề án Đô thị thông minh mà TP đang triển khai và chương trình chuyển đổi số vừa phê duyệt đều trên cùng một nền tảng tăng cường ứng dụng công nghệ và phát huy trí tuệ con người để phát triển nhanh hơn…
Hiện tại mức chi từ ngân sách cho lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông mới chỉ đạt 0,4%. Vì vậy, sắp tới cần tính toán tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này vì mức chi trung bình của các nước vào lĩnh vực này khoảng 1% (mức chi bình quân của một số quốc gia cho lĩnh vực này).
“Các doanh nghiệp cần có trung tâm giới thiệu, tư vấn giải pháp thông minh đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông... Nếu hiệu quả thì dù có phải đầu tư nhiều tiền TP cũng sẵn sàng chi ra đầu tư”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ưu tiên của TP Hồ Chí Minh là sẽ đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn đời sống. Tại châu Á, kinh tế số chiếm 25% GDP và tăng lên 60% vào năm 2021. TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế, là thị trường mới, tăng trưởng 40%/năm tốc độ hàng đầu khu vực Đông Á. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng phác họa vài nét về chính quyền số đó là TP số hóa và tích hợp nhiều dữ liệu để người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng. TP sẽ đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên dữ liệu giúp người dân sử dụng phục vụ đời sống kinh doanh…
“Về kinh tế số, TP tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logicstic, năng lượng và đào tạo nhân lực…TP cũng sẽ ưu tiên phát triển thương mại điện tử, sáng tạo khởi nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông.
Về giải pháp để thực hiện chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp sẽ tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin internert vạn vật, trí tuệ nhân tạo... làm tiền đề phát triển chính quyền số và kinh tế số. Các sở ngành, quận huyện và doanh nghiệp thuộc TP xây dựng kế hoạch thực hiện 39 nhiệm vụ của chương trình chuyển đổi số, lập danh mục các dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025… ”, ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tại hầu hết các quốc gia, mức độ chi ngân sách cho ngành công nghệ thông tin trung bình là 1%, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về chính quyền số khi chi ngân sách 2%. TP Hồ Chí Minh cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, hiên nay ngân sách chi hàng năm cho công nghệ thông tin mới chỉ đạt 0,4%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, chính phủ số là chính phủ dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để cung cấp những dịch vụ mới theo nhu cầu người dân. Dựa vào những dự liệu đã có, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, chương trình chuyển đổi số sẽ giúp người dân, doanh nghiệp… tiếp cận những dịch vụ mới theo nhu cầu. Lãnh đạo có thể đưa ra quyết định mới dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết: “Bộ Thông tin&Truyền thông sẽ là đầu mối một cửa cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Bộ Thông tin&Truyền thông sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng TP Hồ Chí Minh về nguồn lực, thí điểm về chính sách trong mục tiêu chuyển đổi số”.