Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Tháng 6/2020 hoàn thiện toàn bộ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu việc bàn giao mặt bằng diễn ra đúng theo tiến độ thì dự án án chống ngập sẽ kịp đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2020 và hoàn thiện toàn bộ vào tháng 6/2020.

Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư (Công ty TNHH Trung Nam BT 1547), tính đến cuối tháng 5 năm nay, dự án "giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" (giai đoạn 1) đã thi công được 75% (dự án chống ngập). Nhưng trên thực tế giám sát của HĐND TP ngoài hiện trường khối lượng thi công thực mới chỉ đạt 73%.
 Dự án chống ngập được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tổng số vốn thực hiện gần 10.000 tỷ đồng.
Khối lượng tương ứng với khối lượng xây lắp là 5.180/6.907 tỷ đồng; giá trị giải ngân chi phí Bồi thường Giải phóng mặt bằng là 32,15 tỷ đồng.
Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thuộc Nhóm A, thực hiện theo hình thức đầu tư PPP (áp dụng loại Hợp đồng BT). Dự án hiện nay đang chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu đưa ra là hoàn thành vào tháng 6/2019.
Theo đó, cống Bến Nghé đã thi công được 84%, cống Tân Thuận đạt 69%, cống Phú Xuân 75%, cống Mương Chuối 95%, cống Cây Khô 70%, cống Phú Định 65%, đê/kè 58% và cơ khí thiết bị hoàn thành được 75%.
Bên cạnh đó, dự án vẫn còn vướng mắc khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng. Cụ thể, hiện còn 2 địa phương là huyện Nhà Bè và Bình Chánh còn vướng mắc nhiều hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng không phải người dân không đi mà họ đang chờ bồi thường, hỗ trợ. Lãnh đạo TP khẳng định nếu như người dân giao mặt đúng tiến độ thì dự án có thể đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2020 và hoàn thiện toàn bộ vào tháng 6/2020.
Về vấn đề gia hạn tái cấp vốn, ông Hoan cho biết, TP đã làm việc với Ngân hàng BIDV. Qua buổi làm việc ngân hàng sẽ hướng dẫn TP, nhà đầu tư các thủ tục để trình Thủ tướng đúng quy định của ngân hàng nhà nước về giải quyết vấn đề chậm giải ngân và quá thời gian vay vốn.
“Chúng ta đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, đến cuối năm nay cơ bản mọi khâu đã hoàn thành và đưa vào vận hành”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.
 Dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2020, dự án chống ngập sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ giảm bớt những cảnh ngập nặng thế này - Ảnh: Thanh Niên
Trước đó, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát thực địa và làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc. Tại buổi khảo sát ông Nhân nhấn mạnh đây là dự án có vai trò hết sức quan trọng trong việc chống ngập cho khu vực trung tâm TP, giải quyết tình trang úng ngập cho khu vực có số dân khoảng 6,5 triệu người.
Để tháo gỡ khó khăn về đơn giá đền bù khi thu hồi mặt bằng giao cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Thiện Nhân giao UBND TP áp dụng Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trọng Văn, kĩ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh nhận định, nguyên nhân khiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài ngoài liên quan hồ sơ pháp lý còn do một số sở, ngành chưa quyết liệt. Nhiều quận, huyện chỉ gửi văn bản rồi chờ đợi, không theo dõi tiến độ giải quyết để hối thúc. Trong khi chủ đầu tư dự án lại cho biết chính quyền bàn giao mặt bằng đến đâu, đơn vị sẽ thi công đến đó. Doanh nghiệp này chưa thể khẳng định dự án có thể hoàn thành vào cuối năm nay như dự định hay không vì còn phụ thuộc vào thời điểm các quận, huyện bàn giao mặt bằng.
“Theo hợp đồng tín dụng, thời hạn tái cấp vốn cho dự án kết thúc từ ngày 30/6. Rõ ràng việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Trọng Văn nhấn mạnh.
Cụ thể, một số hạng mục như cống kiểm soát triều Phú Xuân, Mương Chuối, các tuyến đê kè 1, 2, 3 dự kiến trong tháng 7 sẽ chi trả cho người dân nên nếu không có kinh phí thì sẽ rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng. Còn nếu cưỡng chế thu hồi đất khi chưa chi trả kinh phí cho người dân thì sẽ phát sinh thêm khoản tiền chậm nộp với lãi suất 0,05%/ngày.