Nhóm thứ nhất là hơn 18.000 cán bộ, công chức, trong đó có 2.960 người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các quận, huyện; phường, xã thường xuyên tiếp xúc với người dân.
Nhóm thứ 2 là hơn 194.000 tiểu thương, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Cán bộ các quận huyện, tài xế taxi, xe buýt, nhân viên siêu thị, khách sạn... là những đối tượng thuộc nhóm được ưu tiền và bắt buộc phải đeo khẩu trang hằng ngày |
Nhóm 3 gồm 73.000 nhân viên đang làm việc tại 4.565 cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn.
Nhóm 4 là hơn 9.200 nhân viên bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt
Nhóm 5 là hơn 27.300 nhân viên ở các bếp ăn tập thể.
Theo thống kê, tổng số đối tượng ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày gồm có 322.126. Theo tính toán, với nhu cầu sử dụng bình quân 3 cái/ngày/người thì các đối tượng ưu tiên cần hơn 966.000 khẩu trang mỗi ngày.
Báo cáo với UBND TP về khả năng sản xuất mặt hàng khẩu trang của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương vừa phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường TP tổ chức ba đoàn khảo sát và làm việc với 13 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Qua đó, 13 doanh nghiệp này báo cáo có thể sản xuất hơn 1,6 triệu khẩu trang/ngày.
Do đó, với nhu cầu sử dụng khẩu trang hằng ngày của các đối tượng bắt buộc phải sử dụng thì nguồn khẩu trang hiện có đủ đáp ứng. Số còn lại sẽ phục vụ nhu cầu của người dân.
Sở Công Thương phụ trách phân phối khẩu trang cho các hệ thống phân phối gồm BigC, Saigon Co.op, Aeon, Vinmart, Bách Hóa Xanh, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống. Sở Y tế tổ chức phân phối khẩu trang trong hệ thống các nhà thuốc.
Sở Công Thương đề nghị Sở Y tế thông tin đến các đối tượng ưu tiên bắt buộc phải sử dụng khẩu trang hằng ngày để nắm thông tin và giảm nhu cầu sử dụng khẩu trang. Đồng thời, Sở Công Thương làm việc với Sở Tài chính tham mưu UBND TP xác định cơ cấu giá của mặt hàng khẩu trang y tế để đưa vào chương trình bình ổn thị trường nhằm được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Miễn thuế nhập nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/2, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ quyết định miễn thuế với nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng cũng như hoá chất phục vụ sản xuất các sản phẩm chống dịch. Cùng với dịch virus Corona bùng phát nhanh chóng, nhu cầu khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng đáng kể. Giá mặt hàng này cũng được các nhà thuốc, tiểu thương đẩy lên cao do khan hàng. Tại một số chợ thuốc còn diễn ra hiện tượng đồng loạt treo biển "không bán khẩu trang". Theo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nguyên liệu chính sản xuất mặt hàng này gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn hai nguyên liệu còn lại đều phải nhập khẩu. Nguồn nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không thể nhập do quốc gia này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu và máy móc sản xuất khẩu trang. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD/kg. |