Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định.

Sáng 7/10, ngay sau khi trở về từ cuộc đàm phán TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với báo chí tại sân bay  Nội Bài.

 Thưa Bộ trưởng, đến thời điểm nào, các nội dung của TPP được công bố?

- Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng. Đối với Việt Nam, thời gian công bố phụ thuộc vào việc rà soát những nội dung trong Hiệp định nhưng chắc chắn sẽ trong thời gian sớm nhất.
TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1
Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành liên quan sẽ cố gắng hết sức. Ngoài ra, do tầm quan trọng của TPP, dự kiến nội dung Hiệp định sẽ được  Ban Chấp hành T.Ư thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo trước khi bắt đầu quá trình phê chuẩn.

Hiệp định tạo sức ép cải cách thể chế trong nước ra sao?

- Các yêu cầu TPP đề ra rất cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác. Thật ra, những việc này hiện nay chúng ta đang làm. Mục đích của chúng ta là tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới, đồng thời xây dựng và ban hành mới những quy định pháp luật khác. Cho nên dù có TPP hay không, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế.

Nhiều DN cho rằng, TPP sẽ tạo cơ hội đổi mới công nghệ khi máy móc thiết bị từ các nước phát triển nhập khẩu thuận lợi. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Một nội dung quan trọng của TPP là mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. Đúng là qua Hiệp định, có rất nhiều cơ hội cho chúng ta thu hút đầu tư từ các DN, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng lớn, những dự án rất cần công nghệ cao. Vì vậy, TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.

Điều đó cho thấy, TPP sẽ là một cơ hội để chúng ta tận dụng, bổ khuyết cho những lĩnh vực đầu tư mà lâu nay chúng ta đang thiếu và yếu. Theo tôi, đây là một cơ hội mà chúng ta cần phải tận dụng.

Ngành nông nghiệp lo lắng TPP sẽ gây sức ép lên ngành chăn nuôi?

- Lo lắng của ngành nông nghiệp về sức ép của TPP là có cơ sở, bởi khi mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế hàng hóa của các nước, trong đó có cả hàng nông sản được nhập khẩu vào Việt Nam. Một mặt, TPP sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, giá cả phù hợp... Nhưng ngược lại, nó sẽ mang lại thách thức to lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi còn yếu do hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán.

Trong đàm phán TPP, lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân rất được quan tâm. Vì vậy, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho Việt Nam lộ trình bảo hộ hợp lý những sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình đó chưa đủ, điều quan trọng là Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành cần đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, qua đó thu hẹp khoảng cách sản xuất với thế giới.

Đối với ngành dệt may thì sao, thưa Bộ trưởng?

- Dệt may là ngành có kim ngạch XK lớn, trong top đầu XK chủ lực của Việt Nam. Qua TPP, nhiều lĩnh vực có lợi thế, nhiều thị trường sẽ có thuế nhập khẩu về 0% nên dệt may sẽ cơ hội tăng trưởng XK rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhưng khó khăn của ta là tỷ lệ phụ kiện, phụ phẩm tự sản xuất còn thấp, chưa tới 50%, còn lại phải nhập ngoại. Điều này đặt ra cho chúng ta yêu cầu là phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước, thu hút kêu gọi đầu tư DN trong nước và nước ngoài xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đã nâng được tỷ lệ nội địa thì giá trị gia tăng càng lớn. Đây là kỳ vọng và quyết tâm của ngành dệt may khi TPP được ký kết.