Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TPP và cục diện địa kinh tế toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo tại Alanta sáng 5/10, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã đánh giá cao những đóng góp của phái đoàn Việt Nam vào thành công của các cuộc đàm phán về TPP.

Đó là một minh chứng cho vị thế quốc tế cao của Việt Nam trên trường quốc tế, minh chứng cho Việt Nam đã trở thành người chơi cờ chứ không phải là quân cờ.

Bài 3: Vị thế của Việt Nam được nâng cao

Những kết quả có được từ đàm phán

Trong những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam như thương mại hàng hóa, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến mở cửa thị trường cho xuất khẩu (XK) hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ. Đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã có những cuộc trao đổi rất hữu ích. Theo quan điểm của Việt Nam, đây là mặt hàng XK rất quan trọng, là một trong những lợi ích cốt lõi của Việt Nam khi tham gia đàm phán TPP, nên cần được tiếp cận thị trường một cách thỏa đáng”.
TPP và cục diện địa kinh tế toàn cầu - Ảnh 1
Phía Mỹ cho rằng, dệt may là mặt hàng rất nhạy cảm đối với nước này. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, Mỹ đều có cách tiếp cận mở cửa dần dần đối với sản phẩm dệt may của các nước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Nhưng khi chúng ta đề xuất một giải pháp đặc biệt là cần cho Việt Nam một “thời gian quá độ”, phía Mỹ đã tán thành. Về vấn đề DN Nhà nước, phía Việt Nam đã khẳng định với Mỹ rằng, với những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như trong khuôn khổ TPP, thì không cần phải có những quy định riêng cho khối DN Nhà nước. Một vấn đề nữa cần lưu ý là đặc thù của mỗi nước, đặc biệt là trình độ phát triển, trong bối cảnh trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn các nước tham gia đàm phán TPP khác. Trong đàm phán TPP, Việt Nam yêu cầu Mỹ và các nước khác cho Việt Nam một thời gian “quá độ” để tuân thủ những yêu cầu rất cao của TPP. Việt Nam đặt ra ngưỡng: Khi nào GDP của chúng ta đạt ở mức thu nhập cao tương tự các nước phát triển (12.000USD/người) thì mới tuân thủ hoàn toàn TPP. Tuy nhiên, các nước thành viên đều không chấp nhận. Nhưng nhờ lập trường vững chắc và giải pháp mềm dẻo, chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn trong đàm phán…

Lợi thế chỉ có nếu chuyển biến mạnh

Theo Eurasia Group, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất với TPP. TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, XK tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025. Thuế nhập khẩu giảm xuống ở hai thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất hàng dệt may của Việt Nam... Business Times cho rằng, đối với Việt Nam, triển vọng gia nhập TPP đã dẫn đến dòng vốn đầu tư tăng. Phần lớn đầu tư mới nằm trong lĩnh vực dệt may, chủ yếu do các DN Hàn Quốc và Trung Quốc bắt đầu xây dựng các nhà máy dệt và nhuộm. Một làn sóng đầu tư dệt may đã đổ về Việt Nam để đón đầu TPP…

Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra những thách thức cho Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã có thỏa thuận thương mại tự do với một số nước Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng chưa có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Chính vì vậy mà chúng ta tham gia TPP đề tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với Mỹ, mở rộng hơn nữa thị trường XK của Việt Nam và qua đó tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngoài ra, nếu chúng ta có thể đưa ra những cam kết liên quan đến việc sửa đổi, điều chỉnh một số quy định pháp luật về đầu tư mới có thể thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…