Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TPP và sức ép thay đổi tư duy quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ có khá nhiều thách thức đặt ra khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), song đó không phải là những thách thức không thể vượt qua.

"Thực tế, chưa có quốc gia nào ký kết hiệp định thương mại với Mỹ và EU mà kinh tế trở nên khó khăn, đổ vỡ, ngược lại còn tăng trưởng tốt" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "TPP - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức cuối tuần qua.
Tham gia TPP, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm tại Công ty CP Thép Việt - Đức.  	Ảnh: Huy Hùng
Tham gia TPP, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm tại Công ty CP Thép Việt - Đức. Ảnh: Huy Hùng
Nhiều lợi ích kinh tế
TPP là hiệp định thương mại tự do có phạm vi và mức độ cam kết rộng, sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia, tạo ra khu vực đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Theo ông Khánh, lợi ích lớn nhất mà TPP mang lại cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng là môi trường kinh doanh sẽ ngày càng hoàn thiện. Môi trường kinh doanh hiện nay đã cải thiện hơn trước đây rất nhiều, các dự thảo, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành đều được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của người dân và DN. Nhiều "nút thắt" về thể chế cũng đã được tháo gỡ tạo điều kiện cho các DN dễ đàng đăng ký kinh doanh, thành lập DN, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh… "Nếu như trước khi tham gia TPP, các DN chỉ được làm những điều mà pháp luật quy định thì sau khi vào TPP, DN sẽ được làm những điều mà pháp luật không cấm. TPP sẽ cải thiện môi trường thể chế. Các chính sách minh bạch, công khai sẽ đảm bảo cho môi trường kinh doanh an toàn" - ông Khánh nhấn mạnh.

Đại diện một DN trong ngành thép cho rằng, việc gia nhập TPP mang lại cơ hội cải thiện tình hình xuất nhập khẩu cho Việt Nam. Việt Nam hiện có xu hướng nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ một số thị trường truyền thống như Đông Á nên về lâu dài cần đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng. Việc đàm phán gia nhập TPP với nhiều quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường nhất định, mở ra cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu.Ngoài ra, gia nhập TPP giúp Việt Nam mở thêm thị trường cho hàng hóa, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, tạo năng lực sản xuất mới, tạo việc làm cho người lao động…

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, thách thức mà TPP đặt ra là Việt Nam sẽ phải chịu sức ép điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật và tư duy quản lý. Dẫn chứng về việc quản lý khu vực DN Nhà nước, ông Khánh khẳng định, ngay cả nền kinh tế phát triển như Mỹ vẫn duy trì mô hình DN Nhà nước, nhưng điểm khác so với Việt Nam là họ để DN Nhà nước hoạt động theo tín hiệu thị trường. "Chúng ta cần thay đổi theo hướng này, nghĩa là không phải lúc nào cũng "gõ đầu" DN Nhà nước đi xây điện, đường… mà phải để các DN hoạt động theo cơ chế thị trường. DN làm ra lãi thì trả cổ tức cho Nhà nước, Nhà nước dùng tiền đó để phân bổ cho các địa phương xây dựng hạ tầng. Chúng ta sẽ không làm "tắt" như trước" - ông Khánh chia sẻ.

TPP cũng không cho phép cơ quan quản lý tư duy theo kiểu "cái gì không quản được thì cấm" hay "chỉ được phép làm những gì tôi cho làm", mà Nhà nước chỉ đứng ra làm vai trò của trọng tài, coi DN là đối tượng quản lý. Rõ ràng, với những thay đổi này, môi trường đầu tư sẽ mở rộng, tạo thuận lợi hơn cho DN, DN được tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất, có thêm cơ hội đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

 
Hiện đã có 12 quốc gia đàm phán gia nhập TPP, bao gồm: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Mỹ, Australia, Peru, Malaysia, Canada, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam.