"Giới trẻ thích đi trà chanh vì nhiều lí do lắm. Này nhé, vừa có chỗ chơi, vô tư buôn chuyện, chém gió, vừa có nước uống giải khát mùa hè, giá cả lại hợp túi tiền hơn nhiều so với các quán nước, cafe.
Bọn mình cứ cuối tuần là lại rủ nhau trà chanh, cả hội chỉ hết vài chục nghìn là cùng. Theo mình thì trà chanh "bổ" vì là món ăn tinh thần rất hiệu nghiệm. Vẫn có câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà, ngồi cùng bạn bè là mình được uống thuốc bổ suốt rồi", Mai An, ĐH Văn hoá là người đầu tiên trong số những bạn trẻ được hỏi tại "khu trà chanh" Ngã Tư Sở. "Trà chanh đương nhiên bổ. Giờ cứ phân tích theo khoa học là chuẩn nhất nhé. Mổ xẻ từng thành phần ra là thấy, trước tiên là trà xanh - món này đã được công nhận là "đại bổ" từ rất nhiều nghiên cứu với tác dụng chống ung thư, chống lão hoá, bổ gan...
Thêm vào đó là chanh, chứa rất nhiều vitamin C và khoáng chất. Tóm lại, trà chanh bổ toàn diện", Việt Anh (ĐH Thăng Long) cao hứng làm luôn bài hùng biện về "trà chanh học".
Thế Dương, SV vừa ra trường tỏ vẻ am tường: "Trà chanh thì bổ béo gì. Đọc báo chả liên tục thấy đủ các kiểu loại quán vỉa vè mất vệ sinh đó thôi. Mình thấy mấy quán trà chanh với trà đá tình hình vệ sinh cũng chả mấy sáng sủa. Nhưng con trai chả để ý mấy chuyện cỏn con đó, có chỗ chém gió là tốt rồi".
Có lẽ luận bàn chuyện giới trẻ yêu trà chanh theo hướng liệu nó có "bổ" hay không là công cốc theo cách nghĩ của bạn Minh Vương (19 tuổi): "Uống trà là phụ. Tụ tập bạn bè mới là mấu chốt, giờ đâu còn là thời đại ăn lấy no, uống vì bổ nữa đâu. Trà chanh chỉ là đồ uống vừa miệng và người ta rủ nhau đi trà chanh vì nó thời thượng, vì thích. Chấm hết".
Trà chanh - tiếp bước chủ nghĩa "xê dịch"
Hà Nội biết đến trà chanh có lẽ từ ngõ phố Đào Duy Từ. Thời các bạn trẻ còn say mê với trà đá đơn thuần hay cafe, trà sữa trân châu thì trà chanh Đào Duy Từ đã có mặt nhưng chưa thật sự hút.
Bấy giờ, trà chanh không khác trà đá là bao. Giới trẻ đang bận tận hưởng hàng chục hương vị trà sữa. Nhưng cùng với thời gian, trà sữa cũng không còn mới lạ và lại có nhiều tin đồn không tốt cho sức khoẻ, các bạn trẻ dần xao nhãng với món uống này. Thị phần các món uống bão hoà. Các bạn trẻ vẫn đi chơi, vẫn hò hẹn, vẫn phải giải khát, cho đến những ngày giá cả đột ngột tăng cao, giới trẻ buộc phải cân nhắc chi tiêu, chọn lựa hình thức giải khát sao cho phù hợp với túi tiền, giữa cafe và trà đá lúc này đã có khoảng cách rõ rệt.
Một số bạn trẻ đang băn khoăn giữa việc lựa chọn trà đá bình dân và cafe tốn kém thì các hộ kinh doanh nước giải khát xung quanh Nhà thờ Lớn và một số địa điểm tập trung giới trẻ đem trà chanh vào menu phục vụ của mình. Rất nhanh chóng, trà chanh trở thành "sự lựa chọn hoàn hảo" của nhiều bạn trẻ vì nhiều lí do ngon, bổ, rẻ...
Những tưởng trà chanh như vậy là đã tìm được chỗ đứng cho mình thì chính sự phát triển như vũ bão của nó lại nảy sinh ra vấn đề nan giải: không gian. Trà chanh Đào Duy Từ nổi tiếng là thế nhưng lại quá chật hẹp, trước cửa quán chỉ đôi ba bộ bàn ghế là không còn lối đi.
Trà chanh Nhà Thờ cũng không đủ sức chứa "sự hâm mộ" của các bạn trẻ dành cho trà chanh khi thường xuyên báo hết chỗ ngồi mà vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nên bị lực lượng trật tự đến dẹp.
Lúc này, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, "tổng tiến công" trên mọi địa bàn trong thành phố. Chẳng mấy chốc, khắp nơi, đâu đâu cũng thấy quán trà chanh, thậm chí, một số thương hiệu trà đá, cafe nổi tiếng cũng đã chuyển sang kinh doanh trà chanh.
Khách hàng trẻ có nhiều lựa chọn về không gian thư giãn giải khát hơn và những địa điểm rộng, cảnh đẹp, tiện đường xá mới là ưu tiên chọn lựa. Trà chanh Ngã Tư Sở đang hội đủ các điều kiện đó nên chỉ sau khoảng thời gian cực ngắn, người đi đường đã bị sốc khi đi qua cầu vượt ngã tư mà nhìn xuống "biển người" dưới vỉa hè phía từ đường Láng rẽ sang Nguyễn Trãi.
Theo quan sát, hiện Hà Nội đã mọc lên rất nhiều "khu trà chanh" với tên gọi: Trà chanh Ngã Tư Sở, trà chanh Nguyễn Phong Sắc, trà chanh Sân khấu (gần trường ĐH Sân Khấu điện ảnh), trà chanh Cát Linh... "Cơn lốc" trà chanh đã đi từ manh nha cho tới tràn lan như hiện nay. Món giải khát này hiện đang ở thời hoàng kim, tuy vậy, hậu trà chanh, giới trẻ sẽ tiếp tục "xê dịch" sang món gì?