Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại vị thế vốn có cho nước mắm truyền thống

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam có hoa sen là quốc hoa, thì nước mắm truyền thống được coi là quốc hồn - quốc túy, ngấm vào máu thịt từng con người, nhưng năm 2016 vừa qua thứ nước chấm truyền thống này đã phải hứng chịu một cơn “bĩ cực”, một “cú sốc” chưa từng có trong lịch sử tồn tại và gắn liền với đời sống người tiêu dùng Việt Nam.

Sự tắc trách của Vinastas và thiệt hại khôn lường
Trước năm 2002, trên thị trường chỉ tồn tại khái niệm nước mắm truyền thống với 2 thành phần chính là cá và muối. Trong khi nước mắm được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp lại có thành phần cá ít hơn, đồng thời pha chế thêm một số phụ gia cần thiết. Phải đến năm 2007, khi các nhãn hàng nước mắm đóng chai của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) ra đời, mới có sự phân định rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Nước mắm truyền thống được trả lại vị thế sau vụ việc Vinastas công bố một cách mập mờ Asen vô cơ. Ảnh: Bình An

Mỗi năm hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ, trung bình một người dân Việt Nam tiêu thụ 4 lít nước mắm/năm. Giá trị một chai nước mắm công nghiệp vào khoảng 1 - 2 USD/chai, trong khi nước mắm truyền thống độ đạm cao và thuần chất, có thể lên tới 9 USD/chai. Từ việc lợi nhuận và cạnh tranh gay gắt, một số công ty đã tạo ra các chiến lược truyền thông nhằm vào nước mắm truyền thống, gần đây nhất là vụ việc Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đánh lận con đen giữa 2 khái niệm “Asen hữu cơ và Asen vô cơ”.
Theo TS Nguyễn Thị Dung - chuyên gia nước mắm, thành viên của nhóm chuyên gia biên soạn Bộ Tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam, việc Vinastas công bố một cách mập mờ Asen như vậy đã vô tình đẩy nước mắm truyền thống vào cơn “bĩ cực”, phải hứng chịu một “cú sốc” chưa từng có trong lịch sử tồn tại và gắn liền với đời sống người tiêu dùng Việt Nam, dẫn tới thiệt hại khôn lường, không thể đo tính được” -  TS Nguyễn Thị Dung bức xúc.
Trả lại vị thế vốn có
Việc ra đời Bộ Tiêu chuẩn nước mắm truyền thống là cần thiết vì trong hoàn cảnh “tranh tối tranh sáng” tiếp tục diễn ra, các DN, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cần một kênh để tiếp cận và chia sẻ những giá trị của một ngành nghề truyền thống. Ngoài ra, nước mắm truyền thống cũng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan, ban ngành chức năng. Việc Vinastas tung ra các báo cáo không đúng sự thật có thể tạo những tiền lệ đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng đến nghành nước mắm truyền thống của Việt Nam ở cả hiện tại và trong trong thời gian tới.
Theo bà Lan Anh - nguyên Giám đốc chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee Việt Nam, người đã có nhiều năm bó với nước mắm truyền thống Việt Nam: “Nước mắm truyền thống trong đời sống người Việt mình là cái gì đó sâu xa hơn chính nước mắm. Người tiêu dùng Việt phải có cái nhìn và tư duy lại để trả lại vị thế vốn có cho nước mắm truyền thống Việt Nam”.
Theo TS Nguyễn Thị Dung, Bộ Tiêu chuẩn nước mắm truyền thống vừa được công bố sẽ là cơ sở để xây dựng Bộ Quy chuẩn nước mắm Việt Nam. Trong tương lai, Bộ NN& PTNT sẽ ban hành Bộ Quy chuẩn quốc gia này, khi đó tất cả các nhà sản xuất đều phải tuân thủ. “Người tiêu dùng thông minh là người hiểu và phân biệt rõ nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, để từ đó mua những sản phẩm bảo đảm chất lượng phục vụ gia đình, bảo đảm sức khỏe cho người thân. Khi mua nước mắm phải xem và tìm hiểu kỹ nhãn - mác dán trên sản phẩm, nếu phát hiện có sự gian lận hay mập mờ thì báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời, có như vậy nước mắm truyền thống sẽ được trả lại vị thế vốn có trong đời sống của người tiêu dùng Việt Nam” - TS Nguyễn Thị Dung nhấn mạnh.
Ngày 15/1, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với các Hiệp hội nước mắm truyền thống trên cả nước lần đầu tiên công bố Bộ Tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn này có 7 phần được biên soạn theo Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn, bao gồm các nội dung: phạm vi áp dụng, nguyên liệu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, ghi nhãn, vận chuyển… Nước mắm truyền thống được phân thành 3 hạng, dựa theo độ đạm tổng số: loại “Đặc biệt” có hàm lượng đạm toàn phần là N TP≥ 35g/l; “Thượng hạng” là 25g/l ≤ NTP< 35g/l và “Hạng 1” là 15g/l≤ NTP< 25g/l. 

 Ba tiêu chuẩn cơ bản của Bộ quy chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam, đó là: Độ đạm phải đảm bảo; Trình tự và thời gian ủ phải đủ 9 tháng để đảm bảo việc phân giải cá nhằm ngăn ngừa việc sử dụng Emzin trong quá trình phân giải cá nhanh; Không được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, không dùng phẩm màu, chất tạo sánh, độ mặn phải bảo đảm 245 - 290 gam muối/lít.

Nước mắm truyền thống thường có độ mặn cao, để giảm độ mặn đôi khi phải sử dụng chất điều vị. Trong nước mắm truyền thống cho phép sử dụng chất điều vị và chất tạo ngọt, về mặt an toàn thực phẩm với liều lượng cho phép, cũng như theo mức quy định của Bộ Y tế. Việc cho phép dùng 2 chất nói trên để phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Tuy nhiên một số DN và cơ sở sản xuất nước mắm có độ đạm cao họ không cần sử dụng. Bộ quy chuẩn này là mức tối thiểu đối với sản phẩm nước mắm truyền thống, thực tế trong quá trình sản xuất nước mắm truyền thống, các DN họ thực hiện gấp đôi mức quy định tối thiểu. Quy định tối thiểu với nước mắm truyền thống là 15 độ, nếu họ muốn độ đạm trong sản phẩm tăng buộc phải mua nước cốt pha vào, nước mắm truyền thống có độ mặn phải cao nhằm kìm hãm sự phát triển của sinh vật.
Ông Vũ Thế Thành - Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu Thủy sản Việt Nam