Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 30 năm sau chiến tranh, ở Việt Nam đã có hơn 100.000 người tử vong và bị thương do hậu quả bom mìn. Phần lớn nạn nhân là trẻ em và lao động chính trong gia đình, đó là con số được đưa ra trong dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống bom, mìn (4/4).

Theo thống kê trên toàn quốc, đến nay mới có 3,28% diện tích đất đai có bom mìn, vật nổ (BMVN) được dọn sạch tương đương khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá, hiện còn khoảng 600.000 tấn bom, mìn đang nằm sâu trong lòng đất.

Bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm 66.000km2 đất đai. Cả nước đã có trên 40.000 người chết, 60.000 người bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh.

Trong suốt 37 năm qua, tính trung bình mỗi ngày có 4 người chết và 6 người bị thương do hậu quả của bom, mìn. Điều đáng quan tâm là các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong các gia đình và cả những người lính công binh làm nhiệm vụ rà phá BMVN.
 
 
Trách nhiệm của cả cộng đồng - Ảnh 1
Rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
 
 
Những vụ tai nạn bom, mìn làm chấn thương, thậm chí thiệt mạng nhiều người dân liên tiếp xảy ra. Những câu chuyện được kể lại trong cuộc giao lưu nhân “Ngày Thế giới phòng chống bom, mìn” vừa qua khiến xã hội không khỏi xót xa.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện điều tra, lập bản đồ bom, mìn trên toàn quốc. Năm 2012, đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ tại 49/63 tỉnh, thành và đã xây dựng được các đề án, dự án rà phá bom, mìn, nâng cấp một số trạm y tế xã và trung tâm y tế khu vực.

 Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Bùi Hồng Lĩnh, trong năm 2013, Việt Nam tiếp tục khảo sát, xây dựng dự án thí điểm trạm y tế xã hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, phục hồi chức năng, xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bom, mìn.

Trước mắt, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 có chủ trương cố gắng tập trung giải quyết ô nhiễm bom, mìn ở những diện tích phát triển kinh tế, ổn định dân cư. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là thanh thiếu niên trong phòng tránh bom, mìn.

 Đại tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: Bộ đội công binh đã tham gia các công việc rà phá bom, mìn ở những khu vực rất khó khăn, nguy hiểm, mật độ cao như ở các căn cứ quân sự cũ, những kho tàng, vùng biên giới, mục tiêu đánh phá trước đây. Mặc dù bộ đội công binh đã luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng so với thực tế khoảng 9.000 xã được xác định bị ô nhiễm bom, mìn (tương đương 80% diện tích) thì công việc rà soát, xử lý cần rất nhiều công sức, tiền của.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, để nước ta trở thành quốc gia không còn tác động của bom, mìn, ngay từ lúc này, rất cần ý thức tự phòng tránh của mỗi người dân; trách nhiệm, sự chung tay của cộng đồng trong việc huy động nguồn lực cùng lực lượng chức năng rà soát, xử lý những "điểm nóng" bom, mìn còn sót lại.