Trước bối cảnh đó, toàn ngành CN, các địa phương trong đó có Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng giải bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD) mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp (DN)...
Lượng hàng tồn kho vẫn cao
Nếu như tại thời điểm đầu tháng 1, chỉ số tồn kho toàn ngành CN chế biến, chế tạo tăng 21,5%, đến đầu tháng 3, lượng tồn kho chỉ tăng khoảng 16,5%. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Hòa, việc giảm chỉ số tồn kho còn do khó khăn từ chính các DN dẫn đến việc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất.
Thị trường bất động sản chưa khởi sắc, khiến lượng thép tồn kho vẫn tăng cao.Ảnh: Doãn Tấn
Chỉ riêng ngành sản xuất thép, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, đầu năm nay là thời điểm hết sức khó khăn của ngành cả về tiêu thụ và giá. Trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ tiêu thụ hơn 1 triệu tấn thép các loại, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 là 8%. Dù xuất khẩu thép quý I tăng trên 30%, nhưng việc nhiều nước xây dựng hàng rào bảo hộ thương mại đã dẫn đến những vụ kiện chống bán phá giá và cảnh báo, gây sức ép cho một số mặt hàng thép nước ta.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, tình hình sản xuất CN trong những tháng tới sẽ khả quan hơn. Đáng chú ý từ tháng 2/2013, DN trong nước có xu hướng tăng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, nên xu thế nhập siêu có thể coi là tín hiệu tốt cho hồi phục sản xuất. Do sắp vào mùa hè, nhiều sản phẩm liên quan đến sản xuất điện, thiết bị điện, đồ uống... sẽ tăng sức tiêu thụ. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bắt đầu có tác dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng... Với nhóm hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, việc đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng... là những yếu tố thúc đẩy sản xuất tiêu thụ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất đang được thực thi, trong đó, Bộ Công Thương tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tại thị trường nội địa, nhất là miền núi, hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, đổi mới hệ thống thu mua, đưa hàng hóa về nông thôn, biên giới, hải đảo... nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ DN phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, TP.
Hà Nội tập trung hỗ trợ thị trường
Trong số những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho các DN trên địa bàn đang được triển khai năm 2013, việc hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho được TP Hà Nội hết sức quan tâm. Trong đó đáng chú ý, TP sẽ dành 50 tỷ đồng cho XTTM, tạo điều kiện cho DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, xúc tiến xuất khẩu, liên doanh liên kết phát triển các sản phẩm CN hỗ trợ có thế mạnh như cơ kim khí, điện - điện tử, nhựa... cũng là kênh được TP đẩy mạnh hỗ trợ nhằm kích thích sản xuất. Trong thời gian tới, TP dự kiến sẽ tổ chức khu triển lãm các sản phẩm CN hỗ trợ - ICS Việt Nam (đồng tổ chức với Manufacturing Expo 2013 Hà Nội tháng 9/2013); tham gia và hỗ trợ DN tại Triển lãm Metalex 2013 (TP Hồ Chí Minh tháng 10/2013); tham gia và giao thương XTTM tại triển lãm Manufacturing Expo 2013 Thái Lan (tháng 6/2013)…Phó Giám đốc Sở Công Thương Đào Thu Vịnh cho biết, TP cũng đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng cách tổ chức 231 chuyến hàng về nông thôn, khu công nghiệp trong năm 2013; đôn đốc DN mở rộng điểm bán hàng, tập trung vào các điểm đã được giới thiệu... Bên cạnh đó, TP cũng hỗ trợ 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công cho các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho thông qua đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, TP sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc tình hình triển khai kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2013 từ nguồn vốn ngân sách cho 671 dự án với kinh phí 23.879 tỷ đồng (vốn ngân sách TP 16.787 tỷ đồng và vốn ngân sách quận huyện 7.092 tỷ đồng); kịp thời tháo gỡ các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn, đảm bảo giải ngân trên 98% số vốn đầu tư so với kế hoạch giao.