Do đó, năm 2015 được hy vọng là năm đánh dấu bước đột phá của ngành rau quả Việt Nam khi mở rộng đường xuất ngoại.
Tín hiệu vui
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, đầu tháng 12/2014, lô hàng nhãn tươi đầu tiên có trọng lượng 900kg của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một trong những thị trường "khó tính" nhất về nhập khẩu trái cây. Toàn bộ số hàng này đã được xử lý chiếu xạ theo đúng yêu cầu của phía Mỹ và ngay sau đó, nhiều DN khác cũng bắt tay lên kế hoạch xuất khẩu nhãn tươi sang thị trường tiềm năng này. Tiếp theo tin vui đó, dự kiến thời gian tới, phía Mỹ sẽ tiếp tục cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa của Việt Nam vào nước này. Ngoài ra, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNT cũng đang đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu thanh long vào Nhật Bản và New Zealand...
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả trên cả nước tăng khá nhanh, từ 696.600ha năm 2001 tăng lên trên 800.000 hiện nay. Trong đó, tập trung lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Trung du miền núi phía Bắc. Với lợi thế khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nhiều loại trái cây đặc sản, chất lượng thơm ngon nổi tiếng như thanh long, xoài, cam, quýt, chôm chôm, vải, bưởi... Hơn nữa, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,3 triệu héc ta. Như vậy, trong lộ trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, lĩnh vực trái cây còn khá nhiều địa hạt để phát triển.
Năm 2014 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của ngành rau quả Việt Nam khi lần đầu tiên lọt "top" mặt hàng xuất khẩu "tỷ đô". Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm qua đã đạt 1,47 tỷ USD, trong đó gần 90% là trái cây. Hiện nay trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, tới đây, khi một số hiệp định tự do thương mại được ký kết, cơ hội mở ra cho rau quả Việt Nam là rất lớn. "Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để dự báo giá trị xuất khẩu rau quả sẽ đạt ngưỡng hơn 2 tỷ USD trong thời gian 2 - 3 năm tới khi mở được cửa vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga..." - ông Định chia sẻ.
Khắc phục điểm yếu
Bên cạnh thời cơ lớn đang mở ra, không ít thách thức đang chờ đón trái cây Việt trên đường xuất ngoại. Đó là những yếu kém từ trong chính giai đoạn sản xuất hiện nay như quy hoạch chưa rõ nét, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, quản lý chất lượng ATTP còn hạn chế... Hơn nữa, đến nay mới chỉ có trên 1% diện tích cây ăn quả đang áp dụng và có chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Mặt khác, liên kết giữa DN chế biến, tiêu thụ trái cây với nông dân chưa chặt chẽ và khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém. Bởi vậy, theo ông Trần Xuân Định, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là với các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế để đảm bảo cân đối với khả năng tiêu thụ, tránh việc mở rộng tự phát. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tổ chức chuỗi liên kết giá trị trái cây theo các tiêu chuẩn GAP, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, kêu gọi các DN đầu tư vào công nghiệp chế biến, bảo quản rau, quả tươi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, cần tập trung nâng cao chất lượng và tháo gỡ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Trước mắt, trong tháng 3, Cục BVTV sẽ tiếp tục đàm phán nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải, nhãn ở các tỉnh phía Bắc sang thị trường Mỹ và xuất khẩu xoài sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, phối hợp với phía Australia để xây dựng và thống nhất điều kiện nhập vải.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch, tỉnh Hà Tĩnh được giới thiệu tại Hà Nội. Ảnh: Quang Thiện
|
Ngày 13/3, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan như Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam làm việc với các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên về triển khai biện pháp kỹ thuật sản xuất nhãn, vải xuất khẩu. |