Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trải qua 23 cuộc phẫu thuật và hành trình thành sinh viên y khoa

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây đúng 8 năm, không ai nghĩ cô bé Nguyễn Anh Nhi, bây giờ là tân sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, lại có thể sống sót kỳ diệu và vươn lên đầy nghị lực. Ước mơ của cô gái sẽ trở thành nhân viên y tế để góp sức cứu nhiều người bệnh như em.

23 cuộc phẫu thuật trong 8 năm
Nhớ lại cái ngày cách đây 8 năm (1/12/2011), anh Nguyễn Anh Tuấn, bố của Nhi, vẫn còn tâm trạng hãi hùng khi được thông báo con gái bị tai nạn giao thông: Cháu bị tai nạn va chạm với xe tải chở cát khi đi trên đường và chảy bê bết máu.
Tuy nhiên do cháu còn thở và cử động nên sau giây phút kinh hoàng, mọi người quyết định chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Ngọc Lặc (Thanh Hóa), sau đó chuyển thẳng ra BV Việt Đức với hy vọng nhỏ nhoi.
 Bệnh nhân Nguyễn Anh Nhi (ngồi thứ 2 từ phải sang) và các y bác sĩ Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, BV Việt Đức.
Đến BV Việt Đức, Nhi được đưa ngay vào phòng phẫu thuật, ca mổ xuyên đêm đến tận sáng ngày hôm sau với một loạt các tổn thương nghiêm trọng, mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.
Các bác sĩ và nhân viên y tế đã cố gắng mọi nỗ lực để giữ lại được sự sống mong manh cho cháu. Biên bản phẫu thuật ghi: Cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ tử cung buồng trứng 2 bên, một phần bàng quang và niệu quản. Quan trọng nhất là mất hầu hết thành bụng nên sau mổ bệnh nhân được đặt miếng gạc che tạm các nội tạng bên trong để chăm sóc.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, sau ca mổ cấp cứu, dần dần cháu tỉnh lại, mở mắt và nhận ra mọi người, con đường chinh phục và chiến đấu với bệnh tật của cháu bắt đầu. Những tháng ngày tiếp theo, Nhi coi BV Việt Đức và khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (PTNK) như một mái nhà thứ 2.
Trong vòng 8 năm, bệnh nhân đã trải qua tổng số 23 ca phẫu thuật các loại với đủ các chuyên gia đầu ngành, thậm chí có cả các cuộc hội chẩn xuyên biên giới với các chuyên gia từ Pháp, Mỹ, Đài Loan mỗi khi có dịp.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng Khoa PTNK, BV Việt Đức, người đã theo sát cháu từ những ngày đầu, đồng thời là người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho cháu, cho biết: "Trong bao nhiêu năm trời cầm dao, tôi chưa gặp ca bệnh nào như Nhi. Không phải là ca cực kỳ nguy hiểm nhưng phức tạp ở chỗ có nhiều tổn thương cùng lúc xử lý ở bệnh nhân còn rất nhỏ tuổi. Hơn nữa bệnh nhân mất toàn bộ thành bụng, việc chăm sóc và chữa như là điều không tưởng".
Cho đến ngày hôm nay, dù mới chỉ 19 tuổi đầu, cái tuổi nhiều hoài bão và mơ ước, nhưng phía trước là chặng đường dài Nhi còn phải đối mặt với nhiều tình huống sức khỏe. Khoa PTNK đã và sẽ là chốn đi về quen thuộc của cả gia đình Nhi.
Nghị lực phi thường
Chia sẻ về trường hợp đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Đức Chính xúc động nói: Sự quyết tâm của gia đình, nghị lực của cháu Nhi đã làm cho chúng tôi thêm động lực để điều trị cho cháu. Mỗi khi có chuyên gia nước ngoài đến chúng tôi đều tận dụng cơ hội để tham khảo ý kiến chuyên môn. Nhiều bác sĩ Mỹ đều nói, khả năng cả cứu sống cũng như phục hồi chức năng là quá khó khăn vì khi đó bệnh nhân còn quá nhỏ.
Còn bác sĩ Trần Tuấn Anh, một trong những người tham gia phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân Nhi cho biết: Đây là một ca bệnh rất đặc biệt có lẽ chúng tôi chưa gặp lần nào, ngay cả trong y học thế giới, do vậy các chuyên gia cũng chỉ khuyên nên chờ đợi và xem có những tiến bộ y học.
“Quan trọng nhất là bệnh nhân mất toàn bộ thành bụng và chúng tôi dùng miếng lưới (mesh) che phủ nội tạng và đã có hiệu quả. Qua nhiều quá trình chăm sóc tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên thành bụng này không hề có cơ,... và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng bình thường. Điều kỳ diệu là bệnh nhân sau đó đã phát triển, hòa nhập cuộc sống và học tập như bao nhiêu các bạn khác để đến hôm nay thành một sinh viên trường Y” - bác sĩ Tuấn Anh nói.
Đang háo hức chờ đợi những ngày tháng thành sinh viên trường Y, thỏa nguyện vọng thành nhân viên y tế để sau này phục vụ bệnh nhân, tuy nhiên con đường phía trước của Nhi còn nhiều vất vả và thử thách, đó cũng là những thử thách đối với các bác sĩ Khoa PTNK để hoàn thiện cơ thể cho Nhi. Hiện nay bệnh nhân vẫn còn mang hậu môn giả và được theo dõi đánh giá sẽ đóng lại sớm khi điều kiện cho phép.
Ngày hôm nay khi được bước chân vào cánh cửa Đại học Y Hà Nội, môt chặng đường mới tươi sáng hơn đã mở ra trước mắt Nhi. Gặp lại PGS.TS Nguyễn Đức Chính và các bác sĩ, nhân viên khoa PTNK, những ân nhân của mình, Nhi không kìm đước nước mắt: “Những ngày tháng qua, con được điều trị và chăm sóc tận tình bởi các thầy thuốc của BV nói chung và các bác, các cô ở khoa PTNK.
Con cảm thấy như mình được sinh ra thêm một lần nữa. May mắn đã mỉm cười với cuộc sống của con, trải qua nhiều năm được đến và chăm sóc tại mái nhà thứ hai, con sẽ cố gắng học tập và mơ ước một ngày nào đó sẽ được khoác lên mình chiếc áo của sự thân thương, chia sẻ và thấu hiểu. Và ngày hôm nay, con đã đạt được một phần ước nguyện của cuộc đời khi thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội".