Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện là 2,68 tỷ m3. So với các năm gần đây, tổng lượng nước xả thấp hơn 1,74 tỷ m3 so với năm 2019; 3,06 tỷ m3 năm 2018; 1,99 tỷ m3 năm 2017 và 0,35 tỷ m3 năm 2016 (năm có mưa trái mùa lớn). Kết thúc 3 đợt xả đến nay, toàn bộ diện tích gieo cấy vụ Xuân của khu vực đã lấy đủ nước.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), việc chủ động xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước, nạo vét hệ thống kênh mương, cửa lấy nước, và vận hành công trình lấy nước sớm, tận dụng nguồn nước trong thời gian giữa các đợt lấy nước đã góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Công tác điều hành linh hoạt mực nước hạ du sông Hồng trong các đợt chống hạn, thời gian lấy nước hợp lý và phù hợp với nhu cầu, năng lực lấy nước của công trình thủy lợi, đã mang lại hiệu quả tốt trong việc tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện.
Việc đầu tư các trạm bơm có thể vận hành lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các trạm bơm cột nước thấp (ở tỉnh Hưng Yên) được xem là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay nhằm thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp.
Để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục tạm dừng việc cấp phép mới khai thác cát và quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình để khắc phục việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn.
Các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động cho các khu vực khó khăn về nguồn nước, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc tập trung lấy nước, tránh tình trạng kéo dài nhu cầu lấy nước khi các địa phương đã hoàn thành kế hoạch.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp phục hồi lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình, nhằm nâng cao hiệu quả lấy nước cho các công trình thủy lợi.