“Trạm quan trắc” phòng dịch

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ Handelsblatt, DW, TAZ cũng như trang tin của kênh truyền hình quốc gia Đức Tagesschau... đều đồng loạt đưa tin về công tác chống bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Báo chí Đức cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra câu khẩu hiệu rất hay: “Chống dịch như chống giặc” và thực tế việc hành động như thế đã hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 Người dân trên địa bàn quận Ba Đình từ Đà Nẵng trở về đã được lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 vào sáng 31/7. Ảnh: Ngọc Tú.
Điểm mạnh của Việt Nam, đó là hình thành “thế trận Nhân dân” trong khâu phát hiện sớm nguồn bệnh bằng những tin báo của chính người dân. Trên mạng xã hội, người dân chia sẻ cho nhau các tin tức về tình hình dịch bệnh. Người dân phát hiện và nhắc nhở, yêu cầu những người từ Đà Nẵng trở về khai báo y tế, đi xét nghiệm nhanh Covid-19.
Nhưng hiện nay vẫn chưa xác định được ca F0 tại Đà Nẵng nên càng phải phát hiện sớm các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng để tiến hành cách ly, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Lúc này, việc xây dựng phòng tuyến chống dịch trong đó thiết lập các “trạm quan trắc” là hệ thống y tế tư nhân, phòng mạch tư, quầy bán thuốc tây có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện các ca bệnh.
Theo khuyến cáo của WHO, triệu chứng của bệnh Covid-19 cũng giống như cảm cúm và một số bệnh đường hô hấp khác nên rất dễ bị bỏ qua. Lâu nay theo thói quen của người Việt, những người bị sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... tìm đến các quầy thuốc tây để mua thuốc cảm cúm, hạ sốt. Số ít người đến các phòng mạch tư khám để bác sĩ kê đơn, do vậy đây chính là những “mắt thần” để cập nhật tình huống ban đầu của bệnh nhân mà chúng ta không được bỏ qua.
Theo báo cáo của bộ Y tế, hiện nay cả nước có gần 700 bệnh viện tuyến huyện, 12.000 trạm y tế xã phường, hơn 30.000 phòng khám tư nhân, hơn 50.000 nhà thuốc tư nhân. Nghĩa là nếu chúng ta xem đây cũng là mắt xích trong “thế trận Nhân dân” thì chính các trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện, các phòng khám y tế tư nhân sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng.
Rõ ràng khi có bệnh nhân đến khám, đặc biệt khi có các dấu hiệu sốt, ho, viêm họng, khó thở thì các cơ sở y tế này phải nhanh chóng phân luồng, khám ở khu riêng, tiến hành sàng lọc, phân loại bệnh nhân, yêu cầu khai báo y tế. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ phải tiến hành các biện pháp cách ly, thông tin cho các cơ quan quản lý gần nhất để khoanh vùng, dập dịch nếu phát hiện ca bệnh.
Trước khi người dân thay đổi thói quen khi bị nhức đầu, sổ mũi, ho, hắt xì hơi thường tự ý đến các quầy thuốc tây mua các loại thuốc, hệ thống nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân cần phải chủ động các biện pháp phòng ngừa. Bộ Y tế cần có những quy định và hướng dẫn cụ thể, yêu cầu bệnh nhân khai báo y tế theo quy định. Đặc biệt, với những người bệnh khi có những dấu hiệu sốt, ho, hắt xì hơi, chảy nước mũi... trước khi đến khám cần gọi điện trước cho các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, bố trí khám và hỗ trợ cần thiết và cần đeo khẩu trang để tránh lây cho người thân, hàng xóm và cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần