Lợi nhuận “khủng”
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được thu để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) do Công ty Viettracimex 8 làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 615 tỷ đồng, trong đó vốn của DN hơn 530 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của Nhà nước gần 85 tỷ đồng. Theo Hợp đồng BOT được Bộ GTVT ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với nhà đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm, 10 tháng. Trong đó thời gian thu phí hoàn vốn là 12 năm 10 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2011 và thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho DN là 4 năm.
Hiện, mức thu tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 7/2016, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu được hơn 4,9 tỷ đồng; tháng 8 thu hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9 thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.Căn cứ trên số liệu đó có thể tính bình quân mỗi tháng trạm này thu về khoảng 5,4 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu đạt 64 tỷ đồng. Hết 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài có thể đạt hơn 800 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu của DN chỉ hơn 530 tỷ đồng. Lợi nhuận ngay trong kỳ thu hoàn vốn đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến thời gian 4 năm DN được thu phí tạo lợi nhuận có thể kiếm thêm khoảng 250 tỷ đồng nữa. Các chuyên gia đánh giá, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là "con gà đẻ trứng vàng", giúp nhà đầu tư lãi ròng gấp đôi khoản vốn bỏ ra ban đầu.
Bất hợp lýCác chuyên gia giao thông lý giải, sở dĩ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đạt doanh thu cao ngất ngưởng như vậy là do được thu phí cả các phương tiện đi trên tuyến đường Bắc Thăng Long, qua xã Phú Cường (Sóc Sơn). Nghịch lý ở chỗ đoạn tuyến này vốn được làm bằng kinh phí Nhà nước và hiện do TP Hà Nội quản lý, nhưng do trạm BOT án ngữ yết hầu nên người dân dù không đi vào tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên vẫn phải nộp tiền. Kể từ khi đi vào hoạt động, trạm thu BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã gây nhiều bức xúc cho người dân Hà Nội. Anh Trần Văn Quang (Mê Linh) cho biết: “Hàng ngày, tôi đi trên đường Bắc Thăng Long, không đi vào tuyến đường tránh Vĩnh Yên nhưng vẫn phải trả phí BOT. Như vậy là quá vô lý!”. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Bắc Thăng Long là tuyến đường ngoại giao, được xây dựng và bảo trì bằng vốn ngân sách Nhà nước. Việc đặt trạm để thu phí của phương tiện qua lại đây nhằm hoàn vốn cho một tuyến đường tránh khác là cực kỳ phi lý, không thể chấp nhận được”.Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ di dời trạm thu phí về đúng vị trí nhưng bất thành. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ cho di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về gộp vào trạm thu phí trên QL2 hoặc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền thu phí nhưng chưa được chấp thuận. Tháng 3/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã làm việc với nhà đầu tư về phương án xử lý trạm, nhưng Công ty Viettracimex 8 không đồng thuận. Từ đó đến nay, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn điềm nhiên tồn tại bất chấp đúng sai.
"Việc duy trì trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là một sự vô lý không thể chấp nhận được, thời gian thu phí kéo quá dài so với số vốn bỏ ra của nhà đầu tư; lưu lượng xe qua trạm này lại vô cùng đông. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xem xét lại vấn đề này." - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |
Từ ngày 18 - 22/1/2016, kết quả kiểm tra tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hệ thống thu phí một dừng vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục, hệ thống giám sát thu phí không hoạt động... Tháng 10/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục có đợt giám sát đặc biệt trong 10 ngày đối với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài nhưng kết quả giám sát đã không được công bố. |