Có thể thấy, tình trạng đặt trạm thu phí BOT kiểu “tận thu” chẳng những chưa có hồi kết mà dường như đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, gây bức xúc trong dư luận.
2 trạm thu phí cách nhau… 150m
Mới đây nhất, tối 14/3, trạm thu phí BOT trên QL32, đoạn qua huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã phải tạm dừng hoạt động do bị người dân kéo xe về phản đối. Người dân ở đây cho rằng, trạm thu phí đặt vô lý và mức thu quá cao; chỉ nâng cấp có 12,7km từ cầu Trung Hà đến ngã tư Cổ Tiết, mà thu như làm mới cả con đường. Một người dân xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông có xe tải nhẹ 2,5 tấn chuyên chở nguyên vật liệu trong vùng bức xúc cho biết, mỗi lần qua trạm phải trả 50.000 đồng tiền phí. “Nhà đầu tư hoàn vốn cho tuyến đường xây mới nối QL2 nối với đường Hồ Chí Minh thì đưa trạm thu phí về đấy để hoàn vốn mới phải chứ. Đằng này nâng cấp hơn 12km trên QL32 rồi đặt trạm thu phí ở đây là cớ làm sao? Chúng tôi không đi tuyến đường mới làm kia nên không thể bắt chúng tôi trả phí được” - người này nói.
Tương tự, trạm thu phí BOT trên QL3 cũ Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang và QL3 mới Thái Nguyên - Bắc Kạn, dù mới chuẩn bị đi vào thu phí nhưng đã gặp phải phản ứng khá dữ dội từ người dân sinh sống trên địa bàn Thái Nguyên. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 cũ theo hình thức BOT do Bộ GTVT đề xuất. Quy mô dự án gồm xây dựng một tuyến mới từ Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng một đoạn tuyến trên QL3 cũ từ Km75 - Km100. Theo ghi nhận, hiện tại, 2 trạm thu phí này đang được hoàn tất xây dựng, và đặt cách nhau chỉ khoảng… 150m, cùng trên địa bàn huyện Phú Lương. Hay như trạm thu phí tại Km13+250 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cũng đã vấp phải những phản ứng dữ dội của Nhân dân và dư luận.
Phớt lờ lợi ích người dân?
Dường như đã thành một công thức, chủ đầu tư cứ cải tạo, mở rộng đường rồi được địa phương và Bộ GTVT phê duyệt cho đặt trạm thu phí mà không cần tính đếm đến lợi ích của người dân. Để rồi khi bị phản ứng gay gắt, thậm chí người dân mang phương tiện ra chặn trạm, gây sức ép, bấy giờ các cấp ngành và DN mới lại “họp bàn, thống nhất” hoặc đưa ra những mức ưu đãi để xoa dịu dư luận. Thế nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Đơn cử, trạm BOT trên QL6, thuộc địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình), kể cả khi đã công mức ưu đãi, hỗ trợ, người dân vẫn không đồng thuận với việc trả phí. Hay các trạm BOT trên địa bàn huyện: Tam Nông (Phú Thọ); Kiến Xương (Thái Bình); Phú Lương (Thái Nguyên)… người dân vẫn tiếp tục phản ứng; bởi thực tế là các trạm thu phí này vốn đã bất hợp lý, được đặt để “tận thu”, gây thiệt hại cho người dân và cả nền kinh tế địa phương.
Nhiều cuộc họp, hội thảo… đã được tổ chức để tìm lời giải cho tình trạng trạm thu phí BOT “bủa vây” địa phương, kéo theo những hệ lụy kinh tế, an ninh, trật tự xã hội nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Cứ ở đâu có trạm thu phí BOT là ở đó có mâu thuẫn phức tạp. Muốn người dân chấp nhận nộp phí thì phải minh bạch được dự án nào là cải tạo, dự án nào là làm mới. Với mỗi dự án thì mức thu phí phải có quy định riêng, đúng với thực tế đầu tư để bảo vệ lợi ích cho người dân”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chừng nào các dự án BOT còn chưa được minh bạch, chưa chứng minh được tính cấp thiết và hợp lý thì chừng đó người dân sẽ còn phản ứng trái chiều và điệp khúc “chặn trạm, trốn phí” sẽ chưa có hồi kết.