Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trận chiến lãi suất mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ theo những trình bày của Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) - bà Janet Yellen tại Quốc hội Mỹ thì FED sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp gần bằng không ở Mỹ thêm thời gian nữa chứ không chủ ý bắt đầu tăng lãi suất đã được dự định tiến hành từ đầu quý III năm nay.

Điều đó có nghĩa là cuộc chiến tranh tiền tệ - trong chừng mực có thể sử dụng khái niệm này để miêu tả cuộc chạy đua giảm lãi suất và duy trì mặt bằng lãi suất rất thấp lâu nay giữa các ngân hàng T.Ư quốc gia trên thế giới - sẽ bước vào vòng xoáy mới. Do có vị thế quan trọng của cả đồng USD lẫn nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới mà kịch bản này có tác động rất quyết định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và qua đó tác động trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và khu vực.

Có 3 lý do khiến FED buộc phải tiếp tục "kiên nhẫn" và không vội vàng với việc tăng lãi suất cơ bản, cho dù đã đề cập và chuẩn bị từ cuối năm ngoái. Thứ nhất, kinh tế Mỹ tuy đã tăng trưởng khả quan hơn tất cả các nền kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển khác, nhưng chưa bền vững. Cả mức độ tiêu dùng lẫn tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đều vẫn còn thấp và rất thấp. Thứ hai, giá dầu lửa trên thị trường thế giới tuy không còn giảm như trước nhưng hiện ở mức cũng thấp và ngành công nghiệp khai thác dầu lửa ở Mỹ theo phương pháp mới chỉ có thể duy trì được nhịp độ tăng trưởng nếu mặt bằng lãi suất của đồng USD tiếp tục thấp và rất thấp như thế. Và thứ ba, ngân hàng T.Ư quốc gia ở các nước công nghiệp phát triển và Ngân hàng T.Ư châu Âu - cho khu vực đồng Euro - vẫn đua nhau duy trì mặt bằng lãi suất thấp và tiếp tục sẵn sàng giảm lãi suất hơn nữa, gây ra nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ. Theo nguyên lý, lãi suất rồi sẽ được tăng, nhưng các ngân hàng T.Ư quốc gia mà trước hết là FED sẽ chỉ làm thế vào thời điểm có lợi nhất cho nền kinh tế ở đó.