Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trận đánh 30 năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm tháng qua đi với bề bộn công việc, nhưng cứ đến những ngày kỷ niệm những trận đánh lịch sử thời chống Mỹ, trong tôi lại bồi hồi xúc động như được tắm mình trong không khí hào hùng sục sôi ấy.

 Tôi có vinh dự tham gia các chiến dịch lớn từ Xuân 1968 đến chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Xuân Hè 1972, hoạt động quân sự Thượng Đức – Quảng Đà 1974, hoạt động quân sự Huế - Đà Nẵng tháng 3/1975, đến chiến dịch Xuân 1975 và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Quân và dân kéo pháo phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên (ảnh tư liệu).
Quân và dân kéo pháo phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên (ảnh tư liệu).
Ngày 9/l/1975, Hội nghị Thường trực Quân ủy T.Ư họp bàn sâu về nhiệm vụ quân sự trong mùa Xuân 1975, nhằm thực hiện một bước của kế hoạch tác chiến chiến lược. Hội nghị xác định trong mùa khô 1974 - 1975, hướng tấn công chủ yếu của bộ đội chủ lực là Nam Tây Nguyên.

Về phía địch, sau Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng cách ra sức phá hoại Hiệp định Paris với biện pháp chiến lược “lấn chiếm và bình định” mà chúng gọi là “tràn ngập lãnh thổ”. Mỹ tiếp tục hà hơi tiếp sức cho ngụy quyền Sài Gòn bằng cách ồ ạt viện trợ một khối lượng lớn vật chất trang bị kỹ thuật. Chính quyền Sài Gòn tăng cường đôn quân bắt lính.

Bước vào mùa khô 1974 - 1975, do nhận định chủ quan và sai lầm về lực lượng, khả năng, phương hướng tấn công của ta, địch điều chỉnh thế bố trí chiến lược phòng thủ ở miền Nam theo kiểu “nặng hai đầu” tập trung giữ Quân khu I và Nam bộ, còn ở Quân khu II (từ Bình Thuận đến Bình Định và cả Tây Nguyên) thì lực lượng rất mỏng, chỉ có 2 sư đoàn. Rõ ràng địch chỉ có khả năng tập trung giữ 2 đầu. Trong tay Bộ Tổng tham mưu ngụy không còn một lực lượng dự bị chiến lược nào để đối phó với tình huống bất trắc. Cũng trong giai đoạn này, có một sự kiện hết sức quan trọng, đó là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 – 8/1/1975). Hội nghị ra quyết định cuối cùng về quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Cùng với kế hoạch chiến lược cơ bản trên, Bộ Chính trị dự kiến một phương án cực kỳ quan trọng: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 được mở đầu là trận Buôn Mê Thuột và kết thúc ở Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Nổi bật nhất là 3 chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, hoạt động quân sự Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu, ta đã tiêu diệt hơn 7 vạn quân xóa sổ Quân đoàn 2 và Quân khu 2 địch, cắt miền Nam làm đôi, mở ra thời cơ mới: Tổng tiến công chiến lược. Trong kế hoạch chiến dịch Tây Nguyên, thị xã Buôn Mê Thuột là mục tiêu then chốt, đánh chiếm Buôn Mê Thuột là trận mở màn. Cách đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột là cách đánh hiệp đồng binh chủng với 4 cánh quân chủ lực, kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ cùng với lực lượng luồn sâu, bố trí sẵn, dùng binh lực lớn, với tốc độ cao, bỏ qua các đồn bốt ngoại vi, đánh thẳng vào trong thị xã đập vỡ sở chỉ huy Sư đoàn 23 và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc ngụy. Chính nhờ cách đánh thông minh, sáng tạo như vậy nên hiệu suất chiến đấu cao. Sau khi tổ chức nghi binh tài tình, rồi đánh địch chia cắt giao thông bao vây cô lập hoàn toàn Buôn Mê Thuột, trận đánh chiếm thị xã đã toàn thắng chỉ trong 32 giờ.

Chuỗi hoạt động quân sự Huế - Đà Nẵng tiếp theo có quy mô như là một chiến dịch tiến công, được hình thành trong quá trình tổng tiến công chiến lược. Ta đã tiêu diệt Quân đoàn 1, Quân khu 1 ngụy, tạo điều kiện cực kỳ quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Chiến dịch Tây Nguyên và hoạt động quân sự quy mô quân đoàn Huế - Đà Nẵng đại thắng, ta đã giải phóng 16 tỉnh, 5 TP (Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt), vùng giải phóng chiếm tới 3/4 đất đai với 1/2 dân số miền Nam.

Sau khi đánh chiếm Quân khu 1 và Quân khu 2 ngụy, ngày 5/4, Đảng ta chủ trương nhanh chóng giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ. Ngày 14/4, ta giải phóng đảo Song Tử Tây, ngày 25/4: đảo Sơn Ca, ngày 27/4: đảo Nam Yết, ngày 28/4: đảo Sinh Tồn, ngày 29/4: đảo Trường Sa. Trong lúc đó, một sự kiện lịch sử lớn đáng lưu ý: 19 giờ ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của quân dân cả nước, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch là cuộc hội quân lớn nhất của 5 quân đoàn chủ lực cùng với các binh chủng kỹ thuật, tổng hợp lực lượng lên tới 27 vạn người, trong đó có 25 vạn bộ đội chủ lực, và 18 vạn người làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch. Rõ ràng, ta đã tập trung sức mạnh cao nhất của cả nước để đánh vào sào huyệt của địch, làm tan rã lực lượng chủ yếu còn lại của chúng.

Để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng, ngày 25/3, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở T.Ư do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Đến ngày 8/4, Bộ Chính trị lại ký quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Sau nhiều lần trao đổi cân nhắc, cuối cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chọn 5 mục tiêu để tập trung lực lượng đánh vào, đó là Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất.

Cách đánh trong chiến dịch được xác định là: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng chặn giữ quân địch lại, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ lực lượng phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng lực lượng lớn của ta đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho 5 binh đoàn tiến nhanh theo các trục đường lớn thọc sâu đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã lựa chọn trong nội thành.

17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch mang tên Bác bắt đầu. 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên lầu cao nhất của Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng trong vòng gần 4 ngày đêm. Chiến dịch là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 và là một chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trong lịch sử của dân tộc ta.

Nếu như 55 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, thì 55 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi 21 năm chiến đấu lâu dài, gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Giờ đây, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thực hiện Di chúc của Bác Hồ: Xây dựng đất nước Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn.