Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan giết mổ gia cầm tại chợ nội thành: Cấm cũng như không

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định cấm giết mổ gia cầm trong khu vực nội thành đã được ban hành 9 năm nay, nhưng hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội.

Biết rõ nguy cơ mất ATTP nhưng ban quản lý (BQL) chợ cũng như chính quyền địa phương không xử lý.

Đâu đâu cũng vi phạm

Khu vực chợ tạm trên đường Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) nằm sát Bệnh viện Thể thao, địa điểm họp chợ liền kề với khu vực mương thoát nước nên còn được gọi là “chợ mương bẩn”. Thực tế, bên trong chợ, sự nhớp nháp, bẩn thỉu và hôi tanh của khu vực bày bán gia cầm cũng “tương đồng” với cái tên “chợ mương bẩn”. Tại đây, thịt gia súc, gia cầm không được các cơ quan chức năng kiểm dịch chặt chẽ, người kinh doanh giết mổ gia cầm ngay tại chợ. Chưa kể, chất thải giết mổ được người bán hàng xả ngay xuống dòng sông trước khu chợ tạm gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Giết mổ gia cầm tại “chợ mương bẩn”, phường Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo
Giết mổ gia cầm tại “chợ mương bẩn”, đường Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo
Theo quan sát của phóng viên, xung quanh những chiếc bu đựng gà, ngan, vịt, chim bồ câu sống được quây tròn là khu vực giết mổ của các tiểu thương. Xô nhựa, chậu nước cáu bẩn, đỏ ngầu màu máu khiến người nhìn không khỏi cảm giác ghê sợ. Điều đáng nói, tuy giết mổ hàng trăm con gia cầm các loại nhưng tất cả đều được chủ hàng nhúng chung trong một nồi nước đun từ sáng đến chiều tối. Thành nồi đặc quánh, đen ngòm lẫn đất, cát, phân gia cầm. Thành phẩm sau khi cắt tiết được vứt xuống mặt đất, nội tạng moi ra sau khi mổ cũng “tiện thể” để trên mặt sàn. Máu bắn tung tóe, văng khắp nơi, nước bẩn và chất thải gia cầm lênh láng, ruồi nhặng bu bám, mùi xú uế luôn nồng nặc…, bằng mắt thường cũng thấy ô nhiễm trầm trọng. Nhìn cảm quan đã thấy mất ATTP nghiêm trọng, ấy vậy mà khách vẫn đông nườm nượp.

Rời “chợ mương bẩn”, chúng tôi đến khu bán gia cầm tại chợ cóc trên phố Cầu Mới (giáp chợ Ngã Tư Sở). Nói là chợ cóc nhưng khu chợ này buôn bán khá sầm uất. Khu vực buôn bán gia cầm của các hộ kinh doanh nơi đây tuy được đặt ở nơi thoáng mát, rộng rãi hơn “chợ mương bẩn” nhưng vẫn không tránh khỏi sự mất vệ sinh thực phẩm. Ngay trước mặt các cửa hàng bán gia cầm là bãi lông gà, vịt, ngan… đen kịt ruồi nhặng bu. Tại một quầy hàng, gà vịt được cắt tiết và vứt thẳng xuống nền gạch để mổ, sau đó được đặt lên mặt bao tải “cám cò” hay lịch sự hơn là những chiếc mâm đặt sát mặt đường chờ khách đến mua. Cũng giống như chợ Tân Mỹ, nguồn nước “thập cẩm” tại đây được đựng trong các xô cũ kỹ, bám đầy bụi bẩn luôn được các tiểu thương tận dụng triệt để nhằm tiết kiệm chi phí. Tình trạng giết mổ gia cầm cũng diễn ra tương tự ở chợ Hoa Bằng (Yên Hòa, Cầu Giấy), chợ Tân Xuân (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) nhưng có phần hạn chế hơn. Tuy nhiên, khu vực giết mổ lại xen lẫn với nơi bán thực phẩm khô, thực phẩm rau, củ, quả, khó có thể đảm bảo ATTP. Với không gian quá đỗi chật hẹp và không đủ trang thiết bị vệ sinh, dễ hiểu khi người bán “muốn sạch cũng không xong”, còn người mua thì “muốn nhanh đành chấp nhận”.

Có cầu ắt có cung

Không phải ngẫu nhiên các tiểu thương phải giết mổ gia cầm ngay tại khu vực bán mà là xuất phát từ chính nhu cầu của người mua. Bà Nguyễn Mai Quế (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) chia sẻ, biết gà làm thịt ở chợ nước không sạch nhưng vì ngại đem về nhà làm nên đành để người bán làm thịt luôn. Bên cạnh đó, do tâm lý người tiêu dùng luôn thích ăn thịt tươi hơn thịt cấp đông, “ngại” mua gia cầm đã được sơ chế sẵn, họ mua gà sống rồi mới yêu cầu người bán giết mổ. Còn chị Trần Gia Linh (Hoa Bằng, Cầu Giấy) cho biết: “Phải tận mắt thấy con gà hoặc con vịt đấy còn sống, tươi ngon thì mới yên tâm mua về, chứ gia cầm đã được người bán giết mổ sẵn ở nhà rồi mang đến chợ thì không biết chất lượng thế nào”.

Theo vợ chồng anh Văn Hưng - một thương lái bán gia cầm sống tại “chợ mương bẩn”, trước đây ở chợ này chỉ có 1 - 2 người bán nhưng nay ngày càng nhiều hộ kinh doanh gia cầm sống ngay tại chợ. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết hoặc ngày rằm, nhu cầu mua của người dân tăng 20 - 30% nên số người buôn bán gia cầm sống tại chợ cũng tăng theo. Nếu không giết mổ tại chỗ thì khách lại không mua, nên “có cầu ắt có cung”.

Bất cập trong quản lý

Bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch phường Yên Hòa (Cầu Giấy) thừa nhận, vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh “lén lút” đưa gia cầm sống vào chợ, tự do giết mổ. Tuy nhiên, theo bà Yến, do lực lượng mỏng, đặc biệt với phường, không có cán bộ làm công tác chuyên trách về lĩnh vực này (cán bộ thú y) nên không có chức năng kiểm tra, xử lý, không đủ thẩm quyền để lập biên bản, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trước đây, cứ không có kiểm dịch thì có thể xử lý, tiêu hủy, nhưng giờ đã bỏ kiểm dịch liên huyện, gia cầm không có kiểm dịch vẫn đi vào TP nên không đủ căn cứ để tiêu hủy. Trong khi đó, có những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, phường rất khó xử lý. Đối với những cơ sở giết mổ số lượng lớn, mới đây phường đã xử lý 6 trường hợp vi phạm, mỗi trường hợp nộp phạt 2,5 triệu đồng.

Cũng khó khăn trong công tác quản lý, ông Thái Minh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm cho biết, tình trạng giết mổ gia cầm tự do chủ yếu xảy ra ở các chợ cóc - chợ không có BQL. Như đối với “chợ mương bẩn”, quận đã nhiều lần cử lực lượng đến giải tỏa nhưng chỉ vài ngày sau lại “mọc”. Mặt khác, cũng do nhu cầu của người dân các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 sống xung quanh nên tạm thời quận vẫn để cho chợ tồn tại. Tuy nhiên, quận đã lên phương án di dời chợ cóc này đến khu vực phía sau Nhà thi đấu thể thao trong nhà Mỹ Đình vào cuối năm 2016. “Đến lúc đó sẽ có BQL chợ và chắc chắn quận sẽ làm nghiêm việc cấm giết mổ gia cầm tại đây” - ông Tuấn khẳng định.

Kiến nghị về việc cấm giết mổ gia cầm tại các chợ nội thành, bà Yến cho rằng, cần có sự quản lý, ngăn chặn của các lực lượng chức năng ngay từ khâu đầu vào, nhất là ở các khu vực cửa ngõ nên có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu để tránh áp lực cho chính quyền cơ sở trong khi chưa có đầy đủ cơ chế, vị trí cho việc giết mổ tập trung. Đặc biệt, ở ngay các cửa ngõ, cần có những địa điểm giết mổ đảm bảo theo đúng quy định.

Mặt khác, theo ý kiến nhiều lãnh đạo các phường, việc cấm giết mổ chỉ thực hiện “triệt để” được nếu có sự đồng thuận từ phía người dân. Bởi lẽ, nhu cầu ăn đồ tươi sống của người dân rất lớn nên việc cấm giết mổ sẽ gặp nhiều bất cập. “Các khu chợ có khu vực giết mổ riêng biệt, có đầy đủ nguồn nước, dụng cụ giết mổ đảm bảo ATTP, nguồn gia cầm vào được kiểm dịch chặt chẽ thì vẫn nên duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân” - một lãnh đạo phường cho hay.
Cần quy hoạch các điểm giết mổ tập trung

Ngày 22/6/2007, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ban hành quy định phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Trong đó quy định rõ, cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các quận nội thành. Cho đến nay, quyết định này vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, tại một số chợ trong nội thành vẫn có tình trạng giết mổ gia cầm lông. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu, tập quán của người dân là thích ăn gà tươi, đặc biệt trong những ngày mùng Một, rằm hay cúng giỗ đều cúng gà sống. Do đó, các tư thương, người buôn bán gia cầm vẫn giết mổ ngay tại chợ để phục vụ nhu cầu của người mua.

Trách nhiệm kiểm tra, quản lý thuộc về chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh địa phương theo phân cấp quản lý ATTP của TP. Mặc dù các địa phương và lực lượng thú y đã tích cực vào cuộc nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ trong nội thành. Bởi các các hộ giết mổ khá nhỏ lẻ, phân tán, trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng. Đặc biệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Hiện, Chi cục Thú y đang đề xuất TP cho phép giết mổ gia cầm trong nội thành, tuy nhiên mỗi quận cần quy hoạch một vài điểm giết mổ tập trung để có thể kiểm soát chặt chẽ thú y, VSATTP.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội