Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan hạt giống cây trồng kém chất lượng: Trách nhiệm... đổ quanh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng hạt giống cây trồng giả, kém chất lượng khiến nhiều bà con nông dân rơi vào cảnh thất thu.

Điều đáng bàn là trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập.

Bán công khai, mua dễ dàng

Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Vân Trì, huyện Đông Anh, hiện có 3 cửa hàng kinh doanh hạt giống cây trồng. Khi chúng tôi hỏi mua hạt giống cải ngồng, chủ cửa hàng Tuấn Lý cho biết: Mua giống Guangdong Helinong Seeds của Trung Quốc, giá 35.000 đồng/100g. Khi chúng tôi chê đắt, chủ cửa hàng đưa ra gói có nhãn mác của một DN Việt Nam nói: “Vậy lấy loại này, chỉ 10.000 đồng/gói” và khẳng định chất lượng hạt giống là như nhau, vì cùng một nhà sản xuất. Công ty Việt Nam mua về, rồi đóng thành gói nhỏ để bán lẻ (?!)

Một số gói hạt giống cây trồng có nguồn gốc Trung Quốc trên thị trường Hà Nội.  Ảnh: Lâm Nguyễn

Khảo sát tại 3 cửa hàng bán hạt giống cây trồng cho thấy, rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra còn có sản phẩm xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Không chỉ được bày bán phổ biến tại các chợ truyền thống, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hạt giống còn được công khai rao bán trên mạng. Trên website www.thapxanh.com, chào bán rất nhiều sản phẩm hạt giống. Tuy nhiên, khi “mục sở thị” trụ sở của đơn vị này tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, chúng tôi đã bất ngờ vì cơ ngơi chỉ là một căn nhà nhỏ, lụp xụp. Tại đây có hàng trăm sản phẩm hạt giống, phần lớn có xuất xứ Trung Quốc. Trên bao bì chỉ in toàn chữ Trung Quốc, không có thêm nhãn phụ hoặc bất cứ thông tin hướng dẫn việc sử dụng.

Việc hạt giống kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường khiến người nông dân loay hoay như lạc vào "ma trận" và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Chị Trần Thanh Hiền, một hộ trồng rau tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết, gia đình từng bị thiệt hại lớn do hạt cải giống kém chất lượng. Còn nhớ, hồi giữa năm 2015, nhiều nông dân huyện Mê Linh "méo mặt" vì mua phải giống dưa leo "vô sinh", chỉ ra lá, không đậu quả. Cũng trong năm nay, một số nông dân xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh trắng tay vì mua phải giống cà tím quái dị, ra trái không giống như quảng cáo trên bao bì, nhãn mác. Không chỉ nông dân Hà Nội, một sự vụ xảy ra vào năm 2013 ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, khi nhiều hộ nông dân các xã Duy Trinh, Duy Châu đã mua phải hạt giống ớt giả, khiến khoảng 30% diện tích canh tác của bà con nông dân bị thất thu… Mới đây, hồi tháng 8/2017, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển 350kg hạt giống rau nhập lậu từ Trung Quốc...

Quản lý chồng chéo, khó hiệu quả

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài khi lưu hành tại Việt Nam đều phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Thông tin ghi rõ về tên hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng. Thực tế, rất nhiều mẫu hạt giống cây trồng mà phóng viên khảo sát được ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp chỉ in chữ Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi lớn đối với công tác quản lý giống cây trồng hiện nay.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Bùi Huy Khôi cho biết, đối với công tác này, ngoài lực lượng thanh tra, còn có đơn vị liên quan trực tiếp là Chi cục Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT). Ông Khôi cho biết, Thanh tra Sở chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với các DN hoặc với các sự vụ đặc biệt do địa phương thông tin báo cáo. Theo ông Khôi, trách nhiệm quản lý tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật, bởi Chi cục này có các Trạm Bảo vệ thực vật tại các địa phương.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Duy Hồng lại thông tin: Trách nhiệm chính thuộc về Thanh tra Sở và Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội), Chi cục chỉ là đơn vị tham gia. Dù vậy, khi được hỏi, Trưởng phòng Trồng trọt Nguyễn Thị Thoa lại cho biết, đơn vị chỉ có chức năng hướng dẫn kỹ thuật và cách thức nhận biết sản phẩm bảo đảm chất lượng cho người nông dân trong quá trình sử dụng cây - con giống.

Phản hồi của đại diện 3 cơ quan chức năng nêu trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý đối với hạt giống cây trồng kém chất lượng. Phải chăng, đang có sự chồng chéo dẫn tới quản lý chưa thực sự hiệu quả? Hệ quả là người nông dân là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.

Đối với hạt giống cây trồng trước khi được phép lưu hành sử dụng, cần phải qua công tác khảo nghiệm, đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, thực tế là có nhiều loại hạt giống được nhập lậu, thậm chí là hàng chính ngạch cũng chưa qua công đoạn này. Đối với vấn đề quản lý, cũng nên quy trách nhiệm về một mối và tiêu chuẩn kiểm soát cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn quốc gia về hạt giống cây trồng. 

GS - Viện sĩ Trần Đình Long

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam