Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan kẹo bánh, mứt Tết không rõ xuất xứ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại địa bàn thành phố Hà Nội, các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, chợ Hà Đông... hàng khô được bày bán tràn lan phục vụ Tết như: Mứt, ô mai, bánh kẹo, nho khô, mít sấy, hướng dương...

Những ngày cuối năm, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ những chuyến xe chở bánh kẹo và các mặt hàng đồ khô có xuất xứ từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại địa bàn thành phố Hà Nội, các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, chợ Hà Đông... hàng khô được bày bán tràn lan phục vụ Tết như: Mứt, ô mai, bánh kẹo, nho khô, mít sấy, hướng dương... Tại những cửa hàng này, nhiều người mua số lượng lớn, mua lẻ về phục vụ gia đình dịp Tết.

Hàng khô có nhiều chủng loại cũng như khác nhau về giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, có rất nhiều mặt hàng không có nhãn mác, nơi sản xuất và hạn sử dụng. Những mặt hàng như nho khô, mít sấy, chuối sấy chỉ được dán nhãn mác giới thiệu tên sản phẩm rất sơ sài.

 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhiều mặt hàng được đựng trong túi ni lon lớn còn không có nhãn mác. Những sản phẩm này đều được giới thiệu là Nho Mỹ, nho Ninh Thuận sấy khô. Tuy nhiên, những loại nho này không có giấy tờ chứng minh xuất xứ. Các loại mứt dừa, mứt bí, mứt cà rốt, khoai lang...  cũng không có nhãn mác, nhiều màu sắc bắt mắt cũng được bày bán tràn lan ở không ít tuyến phố tại Hà Nội.

Những sản phẩm được “nhập” này có giá rất mềm, đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng. Chị Nga, bán hàng tại chợ Đồng Xuân giới thiệu: Kẹo hạnh nhân Việt Nam thì 200.000 đồng/kg, còn các loại kia chỉ 80 – 100.000 đồng/kg. Nếu lấy nhiều sẽ được giảm giá thêm. Nho xanh sấy khô Ninh Thuận, giá 130.000 đồng/kg. Còn nho Mỹ, giá 160.000 đồng/kg. Nếu những mặt hàng này được nhập từ các hãng uy tín thì các chủ buôn kinh doanh chắc chắn sẽ lỗ nặng khi bán với mức giá này.

Tại địa bàn TP.HCM, Cư xá Đường Sắt (đường Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3) từ lâu được ví như “thủ phủ” của nhiều loại mứt cung cấp trên thị trường ngày Tết. Do sự bành trướng của các loại mặt hàng bánh, mứt nhập khẩu từ Trung Quốc nên hoạt động sản xuất mứt Tết tại đây có vẻ “yếu” hơn những năm về trước. Tuy vậy, các chủng loại mứt quen thuộc như: mứt dừa, mứt tắc, mứt khóm, ô mai... ngâm hóa chất vẫn ồ ạt tung ra, nhất là thời điểm cận Tết.

Theo báo Công an TP.HCM, một số cơ sở không chỉ mua cơm dừa ở những quán nước mà còn tận thu từ người bán ve chai, nhặt rác với giá từ 500 - 1.000 đồng/trái để giảm chi phí sản xuất. Vì nguồn hàng khan hiếm, các cơ sở tận thu mít, tắc, khóm... còn non về ngâm hóa chất để thúc trái cây chín rồi chế biến thành các loại mứt thơm ngon tung ra thị trường.

Rõ ràng chính sự thờ ơ của người mua đã “tiếp tay” cho những cơ sở sản xuất bánh mứt bẩn ngày Tết thêm bành trướng. Bởi vậy, khi và chỉ khi người dân chung tay tẩy chay thì loại hàng độc hại này mới dần biến mất trên thị trường.