Vụ việc này đang gây bức xúc trong dư luận và là bài toán khó giải đối với chính quyền sở tại. Xây nhà kiên cố trên đất quy hoạch Tổ dân phố Tân Mỹ (trước đây là thôn Tân Mỹ) có quy mô 12,5ha, được hình thành từ năm 1986 khi UBND TP Hà Nội quyết định cấp đất giãn dân cho các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng để đảm bảo cuộc sống.
Từ khi có quyết định cấp đất, người dân phấn khởi, an cư lạc nghiệp, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Ngày 22/10/1999, Quyết định số 981/QĐ-TTg về việc thu hồi và tạm giao đất cho Ban quản lý DA Khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) để tổ chức việc đền bù, GPMB chuẩn bị đầu tư DA Khu LHTTQG tại huyện Từ Liêm với tổng diện tích thu hồi lên đến 247ha thuộc các xã Mỹ Đình, Mễ Trì, thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm). Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vị trí tổ dân phố Tân Mỹ nằm trong khu vực chức năng sử dụng đất là hồ điều hòa thuộc Khu LHTTQG. Quyết định này đồng nghĩa với việc các hộ dân nơi đây không được phép xây dựng nhà ở kiên cố trên đất quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, DA chưa được triển khai, đất đai vẫn chưa được thu hồi, đền bù GPMB. Do vậy, dù không được cơ quan chức năng cấp phép, người dân vẫn tự ý xây nhà trong vùng quy hoạch. Tân Mỹ là tổ dân phố khá trù phú với hàng trăm hộ dân, các ngôi nhà san sát, nhiều nhà cao tầng kiên cố đã và đang mọc lên. Dọc theo tuyến đường Đỗ Xuân Hợp và trong các ngõ, ngách, nhiều công trình cao 5 - 6 tầng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Người dân địa phương cho biết, đã lên UBND quận Nam Từ Liêm xin cấp phép xây dựng, nhưng chính quyền trả lời là do đất nằm trong quy hoạch nên không được cấp giấy phép. Do nhu cầu sinh sống, ổn định chỗ ở nên các hộ tự ý sửa sang, tự ý xây nhà. Bài toán khó giải
Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề tại sao đất nằm trong vùng quy hoạch mà các hộ dân tại tổ dân phố Tân Mỹ vẫn tiến hành xây dựng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Huy Cường - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm. Ông Cường cho biết, địa bàn tổ dân phố Tân Mỹ vướng DA “treo” bởi từ khi có quyết định của Chính phủ đến nay đã hơn 15 năm nhưng vẫn chưa triển khai. DA tại tổ dân phố Tân Mỹ chưa triển khai, nên các hộ dân chưa được đền bù, bồi thường GPMB. Trong khi đó, các cơ quan cấp trên vẫn chưa có văn bản nào để tháo gỡ, giải quyết tình trạng này. Khi phóng viên băn khoăn về tính khả thi của DA, ông Cường cho rằng, quận không biết được việc này. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh, kiểm tra DA, tuy nhiên đến nay chưa giải quyết được việc gì. Đây là DA của quốc gia, nên phải có quyết định từ Chính phủ, UBND TP tháo gỡ. Vì vậy, quận vẫn yêu cầu các hộ dân phải chấp hành nghiêm chỉnh, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quận đã kiến nghị UBND TP, các sở, ban, ngành, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. “Về tổ chức hành chính, Tân Mỹ là tổ dân phố được pháp luật công nhận. Trong khi đó, vì nằm trong vùng quy hoạch, người dân không được cấp giấy phép xây dựng. 16 năm trôi qua, nhà cửa ngày càng xuống cấp, các hộ dân phải sửa chữa, cải tạo để đảm bảo cuộc sống. Đây là nhu cầu cấp thiết của người dân, quận phải tạo điều kiện cho các hộ trong kiểm soát. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý” – ông Cường cho biết. Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra vi phạm Về những trường hợp công trình kiên cố, không phép, cao 5 - 6 tầng đã và đang mọc lên trên địa bàn, ông Cường cho rằng, tất cả những sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng (TTXD) tại khu vực này, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Thanh tra xây dựng và UBND phường Mỹ Đình 1. Trong năm 2015, quận Nam Từ Liêm đã xử phạt khoảng 3 tỷ đồng đối với các vi phạm TTXD trên địa bàn. Quận có trách nhiệm phối hợp, kết hợp với UBND phường và Thanh tra xây dựng khi có báo cáo và đề xuất; từ đó quận mới ban hành quyết định xử phạt hành chính, quyết định cưỡng chế. Theo ông Cường, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh, kiểm tra DA Khu LHTTQG. Quận Nam Từ Liêm đang chờ kết luận thanh tra; từ đó sẽ ban hành văn bản báo cáo UBND TP và Bộ Xây dựng cho phép người dân được xây nhà tạm trong khu vực dự án “treo”. Khi Nhà nước có quyết định thu hồi GPMB, người dân sẽ tự phá dỡ, tự di chuyển không đòi bồi hoàn. Đối với các sai phạm liên quan đến TTXD tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm đã họp thông qua dự thảo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý TTXD của tập thể, cá nhân, lãnh đạo phường Mỹ Đình 1.
Công trình cao 5 - 6 tầng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện trên đường Đỗ Xuân Hợp thuộc tổ dân phố Tân Mỹ. |
Ngày 19/8/2014, UBND TP Hà Nội ban hành công văn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm TTXD đô thị. Công văn nêu rõ: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm TTXD theo quy định, thông báo đến lực lượng chức năng để kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra vi phạm TTXD mà không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cấp có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết. Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ Thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. |
Nếu chính quyền buông lỏng trong việc quản lý TTXD, sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, DA thông thường chỉ quy hoạch trong khoảng 5 năm. Nếu DA “treo” với thời gian quá lâu sẽ không ổn, gây bức xúc trong Nhân dân. Ở các nước, người dân có thể bán luôn thửa đất của mình nằm trong vùng quy hoạch cho Nhà nước đúng với số tiền mà họ dự định bán, gọi là “quyền tiên mãi” (quyền mua trước); đồng thời, có thể sử dụng số tiền đó mua đất, nhà sinh sống ổn định. TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Theo Điều 12, Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ, những công trình xây dựng không có giấy phép sẽ bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng, sẽ cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư còn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế. Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng |