Có lẽ, người dân miền Trung vốn dĩ đã quen chịu đựng bão lũ, thiên tai, nhưng chưa năm nào thiên tai lại tàn khốc, gây thiệt hại, mất mát quá sức tưởng tượng như năm nay. Quang cảnh cả quả đồi đổ xuống, nước ngập trắng băng, hoang tàn, đau thương bao trùm lên các miền quê. Nhiều người dân không những mất mát tài sản, nhà cửa mà đến miếng ăn, nước uống cũng đã cạn kiệt. Giữa bộn bề khó khăn, đây cũng chính là lúc những sự quan tâm, tình người được thể hiện rõ nhất.Có thể nói rằng, từ lãnh đạo T.Ư đến các địa phương, mỗi người dân đều đang chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực cùng người dân nơi đây khắc phục hậu quả mưa lũ. Các đơn vị quân đội, công an, biên phòng... ngày đêm tìm cách để cứu dân trong dòng nước lũ hay giữa cảnh hoang tàn do sạt lở. Những lời kêu gọi phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác cứu trợ từ rất nhiều tổ chức, đơn vị đến cá nhân được phát đi. Từ các địa phương, đơn vị, nghệ sĩ, doanh nhân, nhà báo, công chức, đến mỗi người dân khắp mọi miền đất nước, những chuyến hàng với lương thực, thuốc men, tiền mặt... nhanh chóng được chuyển đến người dân các vùng bị thiệt hại thông qua nhiều hình thức.Chúng ta đã thấy hình ảnh của các DN, đơn vị phát động, quyên góp ủng hộ; các làng, các thôn… gấp rút gói bánh chưng, làm thực phẩm để gửi đến miền Trung. Nhiều người không ngại mưa gió, lội qua các đoạn đường ngập nước, bùn đất để mang hàng cứu trợ đến tận tâm lũ, cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người dân... Các nhà báo, cơ quan báo chí cũng liên tục truyền đi những thông điệp, hình ảnh từ vùng tâm lũ, để mọi người hiểu hết khó khăn nơi đây và đứng ra kết nối những tấm lòng. Dù ít dù nhiều, mỗi hành động trách nhiệm, nghĩa tình trong lúc này đều là tấm lòng của những người đồng bào “máu chảy ruột mềm” gửi đến đồng bào miền Trung.Hơn bao giờ hết, truyền thống đoàn kết “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam đã phát huy cao nhất trong hoạn nạn, thử thách. Sự hỗ trợ không chỉ thể hiện bằng tiền, hiện vật, mà sự sẻ chia, động viên sẽ là động lực giúp người dân ảnh hưởng của mưa lũ vượt qua mất mát, khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Đó chính là những tấm lòng vàng, rất đáng trân quý. Nói rộng hơn, đó chính là một truyền thống rất đáng quý của dân tộc. Truyền thống ấy đang được nuôi dưỡng, nhân rộng trong mọi tầng lớp người dân.Có thể nhiều người cho rằng, sự giúp đỡ bao gạo, gói mì không thể nào xóa hết những mất mát của bà con sau những trận lũ liên tiếp. Cuộc sống phía trước của người dân nơi đây còn là chuỗi ngày vất vả gượng dậy sau lũ. Nhưng trên hết, những yêu thương, vòng tay chia sẻ và sự động viên tinh thần là vô cùng lớn với người dân miền Trung lúc này. Từ những hình ảnh, thông tin các nhà báo truyền tải cũng cho thấy, trong khó khăn, hoạn nạn, người dân vùng lũ quý lắm, mong lắm những tấm lòng thể hiện đạo lý “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” mà đồng bào cả nước đang hướng về nơi đây. Cách đây không lâu, cũng bằng sự chung sức, chúng ta đã cùng nhau vượt qua được dịch bệnh Covid-19, nay triệu triệu tấm lòng lại cùng hướng về “khúc ruột miền Trung”, để cùng sẻ chia, cùng góp sức chống chọi với thiên tai, hy vọng nhanh chóng vượt qua khó khăn, giúp cuộc sống ổn định trở lại.