Đáng nói, đội bóng này thậm chí còn thua phơi áo một đội bóng trẻ Việt Nam với tỉ số 0 - 5. Thế nhưng, cách mà bóng đá Nhật Bản đến và thua tơi tả trước các đội bóng Việt Nam lại khiến người ta phải giật mình về cách mà họ chuẩn bị cho tương lai. Không có khoảng cách về trình độ Chứng kiến các trận đấu của ĐT U15 Nhật Bản với các đội bóng trẻ của Hà Nội, các nhà chuyên môn đã đi đến kết luận, không có nhiều khoảng cách về trình độ kỹ thuật, tư duy chơi bóng giữa các cầu thủ trẻ thuộc hai nền bóng đá. Thậm chí, trong trận đấu với U15 Hà Nội T&T, đội bóng trẻ Nhật Bản còn lép vế hoàn toàn. Họ không những không ghi được bàn thắng mà còn để đối phương làm thủng lưới đến 5 lần. Quan trọng hơn, đẳng cấp chơi bóng của U15 Nhật Bản cũng không cao cường như người ta tưởng.Chứng kiến sự tự tin và thăng hoa của các cầu thủ trẻ Việt Nam trước đội bóng được chọn lọc và đầu tư đến tận răng, người ta không khỏi tự hào. Cũng bởi vì xuất phát điểm của các cầu thủ trẻ Việt Nam không hề kém. Việc các đội bóng Việt Nam đang dần quan tâm đến công tác đào tạo trẻ sẽ giúp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) có những lớp cầu thủ chất lượng hơn trong tương lai. Nhưng, trước mắt, các đội bóng sẽ có được sự phát triển ổn định và thực chất khi họ biết quan tâm đến công tác tạo nguồn.
Vẫn phải học người bại trận Không có khoảng cách về trình độ giữa bóng đá trẻ Việt Nam và Nhật Bản nhưng cái cách mà nền bóng đá phát triển nhất châu Á chuẩn bị cho tương lai khiến chúng ta phải học tập. Ở đó, người Nhật không chỉ phó thác công tác đào tạo trẻ cho các CLB mà Liên đoàn bóng đá quốc gia cũng giành lấy cho mình sự chủ động về nhân lực. Họ thành lập hàng loạt học viện bóng đá trẻ để có cho mình nguồn cung cầu thủ cho các ĐTQG cũng như đội bóng thành viên. Bên cạnh đó, các ĐT trẻ cũng thường xuyên được tập trung dài hạn và du đấu khắp nơi trên thế giới nhằm rèn luyện bản lĩnh trận mạc. Vậy nên, nhiều chuyên gia am hiểu bóng đá cho rằng, đội bóng trẻ đã thua Hà Nội T&T 0 - 5 sẽ có một diện mạo khác sau một thời gian nữa. Bởi, giờ mới là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch đào tạo “gà nòi” mà Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã dày công sắp đặt. Ngoài việc dành thời gian, tiền bạc cho các đội tuyển trẻ, bóng đá Nhật còn tìm kiếm những HLV giỏi nhất để dẫn dắt những cầu thủ của tương lai. Đây là cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác với công tác đào tạo trẻ của Việt Nam hiện nay. Ở đó, các đội bóng trẻ được dẫn dắt bởi những HLV trẻ, vừa mới giã từ sự nghiệp. Thậm chí, có những ông thầy vốn chỉ là những người không thể kiếm tìm tương lai ở môi trường bóng đá đỉnh cao nhưng nhờ mối quan hệ và nhiều yếu tố khác đã được giao sứ mệnh tạo nguồn cho nền bóng đá. Vậy nên, dư luận cho rằng, để có được một nền bóng đá phát triển với những đội tuyển mạnh, bóng đá Việt Nam phải thay đổi tư duy làm bóng đá. Theo đó, công tác đào tạo trẻ phải nhận được sự đầu tư xứng đáng về tài chính và nhân lực. Bên cạnh đó, những người làm bóng đá phải có kế hoạch bài bản, dài hơi cho các đội bóng trẻ thay vì kiểu tập trung thời vụ như hiện nay.