Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở bài toán năng suất lao động dệt may

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may năm 2014 đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái và đến năm 2030 sẽ đạt tới 50 tỷ USD.

Bên lề "Triển lãm Quốc tế Thiết bị dệt may - nguyên phụ liệu và hóa chất nhuộm 2014" đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Hoàng Vệ Dũng chia sẻ, mặc dù XK dệt may không ngừng tăng nhưng hàm lượng giá trị gia tăng và nhất là năng suất lao động trong ngành vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến thu nhập của người lao động chưa được cải thiện đáng kể…

Ông có thể cho biết, mục đích chính của các cuộc triển lãm quốc tế về thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam những năm qua?

- Triển lãm quốc tế thiết bị ngành dệt may được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1989. Khi đó, có thể nói, các DN dệt may trong nước lần đầu được tiếp cận những máy móc hiện đại với năng suất, chất lượng rất cao từ Nhật Bản, Đức hay một số nước tư bản khác, thay vì trước đó chỉ quen dùng máy móc của các nước như Liên Xô, Tiệp Khắc… Khoảng 5 năm trở lại đây, triển lãm cũng mở rộng thêm phần trưng bày về nguyên phụ liệu, hóa chất thuốc nhuộm dệt may… Mục đích chính của sự kiện là mang đến cho các đơn vị, DN dệt may trong nước cơ hội tiếp cận công nghệ, nguyên phụ liệu mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. 25 năm qua ghi nhận sự chuyển mình mạnh của ngành dệt may trong nước, nhất là trong việc tiếp cận các công nghệ, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất từ các nước phát triển. Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may sau mỗi lần tổ chức lại có số DN tham gia tăng hơn kỳ trước, chứng tỏ sự quan tâm của các nhà đầu tư đến ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong lúc ngành dệt may đang thực hiện chiến lược tăng tốc, chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng như với EU hay TPP… để có được hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn trong sản phẩm.

 
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Đức Huy, Khu công nghiệp Thường Tín. Ảnh: Việt Linh
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Đức Huy, Khu công nghiệp Thường Tín. Ảnh: Việt Linh
Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Những năm qua, ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng rất quan tâm đến vấn đề năng suất lao động. Bởi lẽ, yêu cầu mới đặt ra là DN luôn đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh tăng lương cao cho người lao động, nên phải tìm mọi cách hỗ trợ họ tăng năng suất lên mức cao nhất. 5 năm gần đây, năng suất lao động của DN dệt may đã tăng khoảng 50% so với trước. Tuy nhiên, mình tiến mạnh thì các nước trong khu vực cũng tiến mạnh. Chúng tôi vừa đi khảo sát một số nước tại châu Á. Phải nói rằng Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu. Năng suất lao động trong ngành dệt may của Việt Nam hiện chỉ bằng 50% của Trung Quốc, bằng 70% của Philippines… nói chung rất thấp so với các nước trong khu vực.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

- Tôi cho rằng, người Việt Nam rất khéo tay, song thực tế chúng ta chưa có các công cụ hỗ trợ để đẩy năng suất lên. Bởi, dù đã có máy móc khá hiện đại nhưng vẫn phải cần có tư duy về sắp xếp công việc, tư duy về phát triển phụ kiện hỗ trợ cho những thiết bị đó. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất tinh gọn (LEAN) dù đã được hầu hết DN dệt may áp dụng nhưng dường như DN vẫn thiếu những cái gọi là "bí quyết" để làm sao tăng năng suất hơn nữa.

Thực tế, các DN dệt may Việt Nam cũng đang mày mò tìm cách rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất. Hy vọng những năm tới, chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động so với các nước. Đây cũng chính là cách nâng cao thu nhập cho người lao động và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Một mục tiêu trọng tâm của triển lãm quốc tế thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may là giúp nhà sản xuất tìm được công cụ nhằm hỗ trợ tăng năng suất lao động lên mức cao nhất. Tại triển lãm này, bên cạnh máy móc, thiết bị chính còn có nhiều thiết bị phụ trợ rất quan trọng, như gá lắp chuyên dùng, các động cơ, mô tơ đẩy…

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, máy móc, thiết bị chưa phải là tất cả, mà để tăng năng suất còn phụ thuộc vào vấn đề tổ chức sản xuất, công nghệ và nhiều hỗ trợ khác. Tất cả đều nhằm giúp người công nhân tạo ra được sản phẩm tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.

Xin cảm ơn ông!
Để đạt mục tiêu nâng kim ngạch XK dệt may vào năm 2030 cao gấp đôi năm 2014, bên cạnh bài toán về năng suất lao động, Việt Nam cũng đang bị thiếu nguồn cung rất lớn về nguyên phụ liệu. Vì vậy, Việt Nam vẫn rất chào đón các nhà đầu tư nước ngoài mang theo công nghệ mới, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may.

Ông Hoàng Vệ Dũng Phó Tổng Giám đốc Vinatex