Trong tháng 8 và tháng 9/2017, Ban chỉ đạo Chương trình 04 kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ở gần 20 quận, huyện, sở, ngành. Trong tất cả các mục tiêu, tiêu chí có chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa luôn đạt và vượt ở tất cả các địa phương so với kế hoạch đề ra. Trong đó, quận Thanh Xuân có tới 93% gia đình văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; huyện Quốc Oai có hơn 87% gia đình văn hóa, gần 98% làng văn hóa; quận Bắc Từ Liêm có hơn 88% gia đình văn hóa, hơn 82% tổ dân phố văn hóa, 92% cơ quan, đơn vị, DN văn hóa…
Các chỉ tiêu văn hóa đạt cao, nhưng chuyện con cái bạc đãi bố mẹ, nghiện hút, trộm cắp vẫn là vấn đề nóng trong xã hội. Không chỉ ở vùng ngoại thành, thanh niên làng sẵn sàng cầm dao, gậy gộc trả thù nhau. Tại phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm cũng đã từng chứng kiến nhóm thanh niên chửi nhau giữa phố Lò Sũ giao phố Hàng Dầu. Chửi chưa đủ, nhóm thanh niên này còn đánh nhau đến thương tích, phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát. Hay hồi tháng 7/2017, cộng đồng mạng được phen chia sẻ triệu like với clip mẹ chồng con dâu cầm giầy ném nhau, chửi tục giữa phố Khâm Thiên…
|
Khách tham gia Ngày hội Gia đình tại Rạp Kim Đồng, Hà Nội. Ảnh: Linh Anh |
Trong các buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý băn khoăn, vì sao các mô hình văn hóa luôn đạt chất lượng cao, nhưng những hành vi phản cảm như: Nói tục, chửi bậy; tiểu tiện, xả rác bừa bãi… vẫn còn nhiều. Liệu việc bình bầu, xét tặng danh hiệu đã công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích chưa? Nhiều cán bộ văn hóa của địa phương cũng cho biết, rất khó để có căn cứ thực tế khi bình xét. Bởi những mâu thuẫn tiềm ẩn sâu trong các gia đình không phải lúc nào cũng thể hiện ra ngoài. Tâm lý của người Việt là “không vạch áo cho ngươi xem lưng”, nên cái tốt thì phô ra, xấu xa đậy lại. Trong khi đó, đời sống đô thị, tính kết nối tình làng nghĩa xóm ngày càng xa cách, nên thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau.
Vứt rác bừa bãi sẽ mất danh hiệuTheo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ý tưởng xây dựng gia đình văn hóa là tốt, nhưng khi thực hiện lại biến thành một phong trào mang tính hình thức. Sau nhiều năm nhìn nhận các chỉ tiêu và tiêu chí đưa ra là cứng nhắc, nên mất cái hay của ý tưởng ban đầu, cùng với sửa đổi bổ sung của Bộ VHTT&DL, Hà Nội cũng đã có điều chỉnh các tiêu chí xây dựng danh hiệu văn hóa. Năm 2016, ngoài các tiêu chí trước đây, Hà Nội đã bổ sung thêm các quy định việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” phải kèm theo các tiêu chí: Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Bà Lê Mai Trang – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ năm 2016, quận đang siết chặt các tiêu chí xét tặng danh hiệu văn hóa. Những gia đình có vi phạm về trật tự xây dựng, vứt rác bừa bãi ra đầu ngõ, không giữ gìn vệ sinh nơi công cộng sẽ không được xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa. Chính vì vậy, nhiều tỷ lệ đạt được của các danh hiệu đã giảm so với năm 2015, và năm 2017 có thể sẽ giảm tiếp, nhưng Thanh Xuân hướng đến việc đánh giá bình xét thực chất các danh hiệu văn hóa.
Theo gợi ý của của PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, có thể tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóa chỉ cần đạt dưới 10% trong tổng số các gia đình Việt Nam hiện nay, như thế để đề cao các gia đình thật sự là tấm gương cho các gia đình khác noi theo. Cho dù, Hà Nội đã và đang điều chỉnh việc xây dựng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có việc bình xét thực chất các danh hiệu văn hóa, nhưng chắc chắn trước thực tế văn hóa ứng xử, đời sống gia đình cần nhiều điều nắn chỉnh như hiện nay, sẽ còn cần những sửa đổi mang tính đột phá để không còn tình trạng “bói không ra gia đình không văn hóa”.