Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở tìm đầu ra cho đặc sản vùng miền

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc sản vùng miền vốn là niềm tự hào của nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, sự yếu kém trong khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến đặc sản vùng miền chưa trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhiều loại đặc sản chưa có thương hiệu
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau.
Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.
Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng và nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, nhận thức về tiềm năng xây dựng và phát triển sản phẩm chưa đầy đủ, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài dựa trên những tiêu chí đánh giá, xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm đặc sản.
Nguyên nhân của tình trạng này là do DN vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô, để DN nước ngoài gắn thương hiệu của họ trước khi bán ra thị trường…
 DN sản xuất đặc sản và DN bán lẻ bàn cách kết nối tiêu thụ tại hội nghị. Ảnh: Thu Hương
Tại hội nghị “Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019” do Bộ Công Thương tổ chức, các DN như Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco đều cho rằng: Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm đặc sản, nông sản vùng miền, các DN bán lẻ đều gặp khó khăn khi sản lượng cung ứng của một số DN, HTX lúc thừa, lúc thiếu mặc dù hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết.
Nguyên nhân là do làm theo theo hướng tự phát, mùa vụ, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên nguồn cung cấp không ổn định... điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty VinEco Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện nay các siêu thị yêu cầu muốn đưa sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ phải có giấy chứng nhận có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa do cơ quan quản lý cấp. Thế nhưng hiện đa phần đặc sản vùng miền do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất không có giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng theo quy định.
Tăng liên kết để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm 
Theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng miền nên xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh cải tiến thiết kế mẫu mã, bao bì...
Đồng thời, các DN sản xuất liên kết lại với nhau để sử dụng chung dịch vụ qua đó tiết kiệm chi phí và tạo sức mạnh cạnh tranh. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng giúp sản phẩm đặc trưng vùng miền có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê Vũ Hòa cho rằng, để đặc sản vùng miền tiếp cận các kênh phân phối, DN cung ứng, sản xuất ngoài việc phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thì trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt trên bao bì nên tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác, từ đó thu hút người tiêu dùng.
“Nghệ thuật thiết kế bao bì và đóng gói sản phẩm đặc trưng vùng, miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng miền đó để tạo cảm giác mới lạ, độc đáo, điều quan trọng là phải làm nổi bật được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng”- ông Hòa nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh: Bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, DN cần đặc biệt chú trọng tới hoạt động kết nối, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, phân chia lợi nhuận trong toàn chuỗi.
Đồng tình với ý kiến này Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho rằng: DN cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm theo hướng nhấn mạnh đến sự khác biệt đặc sản vùng miền để người tiêu dùng biết đến.
Do đó, muốn đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền các DN trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Đồng thời liên kết với DN bán lẻ trong việc thiết lập hệ thống phân phối từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Bưởi, cam ở đâu cũng có, nhưng cam Nam Bộ sẽ có vị khác cam miền Bắc. Do đó, cần tuyên truyền, công bố hàm lượng chất lượng để người tiêu dùng có đa kênh để lựa chọn." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan