Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trắng đêm đưa người vô gia cư về chăm sóc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết, phóng sự ảnh về những người vô gia cư nằm vạ vật xuyên đêm trên các vỉa hè, đường phố. Đêm cuối tuần, trong cái rét căm căm, chúng tôi đã theo chân các lực lượng chức năng tỏa đi mọi nẻo đường tìm người lang thang đưa về các Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội.

 Cụ già lang thang được Công an phường Cửa Nam và lực lượng chức năng ngành LĐTB&XH vận động về Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 để được chăm sóc, hỗ trợ.
Đêm không ngủ
Theo chân Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (TTBTXH1) đi tìm người lang thang đưa về nơi cư trú, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn của công việc này. Để tìm được đúng đối tượng người lang thang theo Quyết định 6053 của UBND TP Hà Nội, từ chập tối, TTBTXH1 đã cử vài cán bộ đi xe máy khảo sát nhiều lần trên các tuyến đường. Khi nhận được tin báo có người lang thang, một nhóm cán bộ của Trung tâm sẽ đưa ô tô đến mời về trụ sở công an phường sở tại để làm thủ tục... Nhưng, mọi chuyện không đơn giản. Một người lang thang ngồi ăn xin ở khu vực phố Huế đã phát hiện ra, vội vã dời đi chỗ khác trước khi ô tô của Trung tâm kịp đến. Vì thế: “Có những đêm anh em tôi về tay không. Lại có lần, đối tượng “cò mồi” đứng chặn đầu xe ô tô gây gổ ngăn không cho chúng tôi đưa người lang thang về Trung tâm nên phải gọi điện tới cảnh sát 113 nhờ hỗ trợ” – Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Càng về khuya, trời lạnh hơn nhưng nhóm của anh Nguyễn Văn Hải và lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Trống vẫn tiếp tục đi kiểm tra các tuyến phố. Một ông già khắc khổ, mặc áo jacket màu xanh đang ngả mũ đi xin tiền của những người ngồi uống cà phê trên vỉa hè phố Nhà Thờ. Khi được mời về trụ sở công an phường và đề nghị cho xem giấy tờ tùy thân, ông cụ bắt đầu phân bua: “Tôi đi nhặt rác, chứ có xin tiền đâu. Người ta thấy tôi già, thương tình cho vài đồng đấy chứ…” Thế rồi, ông cụ lập cập lấy trong ví ra tấm thẻ căn cước công dân mang tên Nguyễn Văn Thụy, sinh năm 1937, quê quán ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và tiếp tục khẩn nài xin được về quê. Khi được cán bộ giải thích và mời về TTBTXH thì cụ mới thấy yên tâm.
Hàng ngày, người lang thang được cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 theo dõi sức khỏe.
Cùng đi với đội khảo sát và tìm kiếm người lang thang trên các tuyến phố Tràng Thi, Triệu Quốc Đạt, Lê Duẩn…chúng tôi còn chứng kiến những trường hợp có nhà cửa ở gần đó nhưng giả làm người yếu thế. Bất chấp đêm giá rét, họ vẫn mang chiếu, chăn trải ra vỉa hè phố để lợi dụng lòng tốt của những người làm từ thiện... Vì thế, cùng với việc đưa người lang thang về cư trú, lực lượng cán bộ ngành LĐTB&XH, công an phải vận động, giải thích nhiều lần để họ hiểu ra vấn đề và đi về nhà. Nhưng trường hợp ông Nguyễn Minh Ngọc ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa là ca “khó”. Ngồi bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng chất đầy đồ, ông Ngọc luôn miệng nói “nhà ở gần đây, tôi ngồi nghỉ” khiến lực lượng chức năng phải thuyết phục nhiều lần mới chấp nhận đi đến TTBTXH1 để được chăm sóc.

Không để người dân bị đói rét

Với việc tiếp nhận thêm một đối tượng ở trụ sở Công an phường Cửa Nam, đến hơn 23 giờ 30 đêm, Đội Trật tự xã hội lưu động đã tập trung được 4 người lang thang. Ông Nguyễn Minh Hồng - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm thông tin: “Đây là trường hợp đầu tiên từ Tết Dương lịch 2019 chúng tôi bắt gặp và vận động được. Nhận thấy người cao tuổi bị đói rét, lực lượng chức năng đã mua cho họ đồ ăn”. Theo ông Hồng, phường Cửa Nam ít đối tượng lang thang nhưng địa bàn phức tạp vì tiếp giáp với 3 quận nên ban ngày phường đã cắt cử cán bộ, công an cùng đội trật tự chia thành ba tổ đi kiểm tra. Buổi tối lại có lực lượng công an, trật tự, tự quản tiếp tục kiểm tra an ninh và phát hiện các đối tượng để kịp thời xử lý. “Công việc có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, bằng tinh thần trách nhiệm cao, để đưa chính sách, chủ trương nhân văn của TP, quận lan tỏa tới tất cả mọi người” – ông Hồng nhấn mạnh.
Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải vận động một người lang thang trở về nhà.
Trong cái giá lạnh của đêm Đông, anh Nguyễn Văn Hải vẫn tiếp tục cùng đồng đội đi khảo sát tìm người lang thang. Anh chia sẻ: “Có lần, người lang thang mắc bệnh truyền nhiễm không hiểu được công việc chúng tôi làm đã chống trả quyết liệt. Hơn nữa, giờ đây lại có những người lang thang do lực lượng bảo kê, “chăn dắt” nên khó tiếp cận đưa về Trung tâm”. Khi chuyển sang ngày mới, các thành viên Đội Trật tự xã hội mới đưa được người lang thang trở về Trung tâm ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Thực hiện xong các thủ tục tiếp nhận, những đối tượng này được đưa đi kiểm tra sức khỏe, ăn uống, bố trí nghỉ trên giường đơn có màn, gối, chăn ấm. Phó Giám đốc TTBTXH1 Nguyễn Văn Quảng cho biết, theo quy định, trong một tháng lưu trú ở đây, người lang thang được chăm sóc, cung cấp thông tin về các chủ trương chính sách của Nhà nước, TP. Họ còn được đọc báo, xem ti vi, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, chơi thể thao... tập thể để tạo sự đoàn kết, gắn bó.

Để hiểu hơn cuộc sống của họ ở "ngôi nhà mới", ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm đến TTBTXH1 ở Đông Anh để tiếp cận với những người vô gia cư được đưa về nơi đây. Theo ghi nhận, do được chăm sóc tốt nên đa số các trường hợp này sau một thời gian đều cải thiện sức khỏe, tâm lý ổn định và tỏ thái độ hợp tác. Trong căn phòng rộng chừng 20m2 kê 5 cái giường, em Lê Xuân Vinh -14 tuổi, quê Thanh Hóa phấn khởi bộc bạch: “Hơn một năm trước, cháu ra Hà Nội phụ mẹ bán hàng rong. Ở Trung tâm này cháu được ăn ngon, có chỗ ngủ riêng đủ ấm”. Bước sang tuổi 39 lại bị mất một cánh tay, gia đình không người quan tâm, anh Đỗ Văn Thuy quê ở Hải Phòng xúc động nói: “Trước kia đi ăn xin, tôi ngủ vạ vật ngoài đường chợ, đói rét triền miên. Khi được vào Trung tâm, tôi không lo bị đánh, có chỗ ăn nghỉ, hàng ngày cán bộ khám sức khỏe và luyện tập nên người khỏe hơn”. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Quảng, chính sự tiến triển của cháu Vinh, anh Thuy và nhiều đối tượng lang thang khác là động lực để lãnh đạo và cán bộ Trung tâm cùng các lực lượng chức năng tiếp tục hành trình đưa người lang thang về chăm sóc ở nơi an toàn, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của TP.