Vàng tặc tung hoành Men theo con đường độc đạo, tôi giật mình bởi âm thanh sùng sục của những chiếc máy xúc; những chiếc xe tải chạy ầm ầm. Giữa thanh thiên bạch nhật, những chiếc máy xúc vẫn ngang nhiên xới tung những mảnh ruộng, móc đất cạnh các công trình, thậm chí đào khoét cả những khu vực cạnh nghĩa địa. Những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát dường như không còn. Giờ đây phủ lên "tấm áo" vàng ươm đó chỉ là những hố sâu khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Dừng xe tại một tiệm sửa xe nhỏ ở khu vực đầu xã Nam Phương Tiến, vào vai một kỹ sư địa chất tới tìm hiểu thăm dò hoạt động, tôi mới nắm được một phần sự việc. Mới gợi ra chuyện thăm dò tìm kiếm khoáng sản, anh Nguyệt (nhà ở đầu xã) đã nói ngay: "Khoáng sản à? Thiếu gì vàng, nhiều lắm". Theo anh Nguyệt, xung quanh khu vực xã Nam Phương Tiến này có rất nhiều vàng. Việc có vàng được phát hiện cách đây khoảng ba mươi năm về trước. Ban đầu đơn thuần chỉ là những người dân làm ruộng tình cờ tìm thấy vàng, thậm chí có người "vén đất" thấy vàng. Vốn là những người nông dân chân chất thật thà, tin đồn đó nhanh chóng lan ra cả vùng. Một đồn mười, mười đồn trăm, tin đồn về xã Nam Phương Tiến có vàng nhanh chóng tới tai các chủ đào vàng. Vào những năm 1981 - 1982, cả cánh đồng Vai Táo trở thành địa điểm khai thác vàng. Hầu như gia đình nào ở đây cũng có người khai thác vàng bằng phương pháp thủ công. Đến năm 1991, tình trạng khai thác vàng ở đây đã chấm dứt và cánh đồng Vai Táo được giao cho các hộ dân canh tác. Thế nhưng, từ tháng 10/2011 trở lại đây, trên suối cái Vai Chồ lại xuất hiện tình trạng khai thác vàng trái phép. Người dân sinh sống ở đây cho biết, chủ của các máy xúc, máy đãi vàng đó đều là công dân xã Nam Phương Tiến. Các ông chủ này không chỉ múc đất, đá ở dưới suối, mà còn thuê khoảng 2 mẫu ruộng cấy lúa của gần 20 hộ dân trong thôn, với giá 20 triệu đồng một sào để đào đãi vàng, khiến dòng suối cái Vai Chồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hộ chăn nuôi gia cầm, thả cá, trồng cây vụ Đông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu như ngày nào cũng có hàng chục con vịt và nhiều cá thả ở các ao ven suối bị chết.
Khu đất cạnh nghĩa địa cũng nham nhở do khai thác vàng trái phép. |
Chính quyền chưa biết? Ngay khi chúng tôi có mặt, trên dòng suối cái Vai Chồ, thuộc cánh đồng Vai Táo vẫn có 2 máy xúc, một máy đãi hoạt động và gần 10 công nhân làm thuê. Các máy xúc này đang băm nát, "móc ruột" từng thửa ruộng, khoét sâu như hố bom. Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp đã bị cày xới. Tại hiện trường, có một đống đá nằm sừng sững như dãy núi dài hàng trăm mét, là sản phẩm của việc đãi vàng; ở các thửa ruộng xung quanh có khá nhiều thùng phuy đựng dầu chạy máy xúc ra, máy đãi vàng vứt ngổn ngang, cùng với các vết dầu loang lổ trên gốc rạ. Nước suối thì đục ngầu. Vậy mà khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, chính quyền địa phương chưa nhận được thông tin về việc khai thác vàng, sa khoáng trái phép tại thôn Núi Bé. Mới đây, UBND xã có nhận được đơn của 14 hộ gia đình ở thôn Núi Bé xin cải tạo mặt bằng tại cánh đồng Vai Táo và đã chấp thuận. Song khi được hỏi trước khi đồng ý cho các hộ dân cải tạo ruộng, chính quyền địa phương có kiểm tra thực địa không thì câu trả lời nhận được là "không". Tuy không thừa nhận là có tình trạng khai thác vàng, nhưng ông Phong cho biết có hiện tượng nước suối bị đục. Được biết, cho đến những ngày đầu tháng 12 này, việc khai thác vàng trái phép tại dòng suối cái Vai Chồ, thuộc cánh đồng Vai Táo, xã Nam Phương Tiến vẫn tiếp tục diễn ra. Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Chương Mỹ sớm vào cuộc, chấm dứt tình trạng này.