Tín dụng đen tràn ngập trên các hội nhóm
Mấy ngày qua, anh Trương Minh T (quê Hà Nam) đang làm công nhân tại một công ty chuyên về may mặc tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy buộc phải sang ở nhờ nhà bạn vì bị “dí nợ”.
Anh T cho biết, khoảng 15 ngày trước, anh có vay số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Trả được 2 tuần tiền lãi và số tiền gốc 5 triệu đồng, đến ngày thứ 15, anh đã không thể lo được. Anh T cũng không thể về phòng trọ vì chủ nợ cho người tìm anh đe dọa truy thu số tiền cả gốc và lãi vay mà anh đã ký vào hợp đồng với chủ nợ.
Anh Nguyễn Xuân D ở khu trọ Thanh Lân (Hoàng Mai) cho hay, do đang gặp khó khăn về tài chính, cần tiền về quê, được mời gọi bằng những tờ rơi hay những ứng dụng cho vay được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. “Chỉ cần alo là có tiền, không phải thế chấp” đã thu hút được sự chú ý của nhiều người thuê trọ tại đây.
Chính vì sự tiện lợi như cho vay trong ngày, cho vay lấy ngay mà nhiều công nhân, sinh viên nghèo vì cần tiền chi tiêu trong dịp Tết trở nên chủ quan hơn, dễ dãi hơn. Các đối tượng đưa ra những lời chào mời cho vay hấp dẫn để lừa người dân như: "Hỗ trợ vay vốn mùa Tết từ 20 triệu, lãi suất chỉ 1% trên tháng, không thẩm định người thân, không giới hạn khoản vay..."
Tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh), theo chia sẻ của một công nhân làm việc tại Công ty TNHH Goshu Kohsan từng khổ sở vì khoản vay qua app trực tuyến. Công nhân (xin được giấu tên) kể: một lần lướt facebook thì thấy hiện lên ứng dụng cho vay tiền không lãi suất nên tò mò tải app về điện thoại tìm hiểu và thử vay lần đầu 500.000 đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi. Lần vay đầu, anh trả đúng hẹn nên không có vấn đề gì. Sau đó, anh được mời chào vay tiếp hạn mức 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Tin vào lời dẫn dụ từ "nhân viên tư vấn" của app, công nhân tiếp tục vay nhưng do không có tiền trả đúng hạn nên được tư vấn vay app khác để đáo nợ. Cứ như thế, từ 50 triệu đồng ban đầu, công nhân đã sập bẫy app "tín dụng đen" với khoản nợ lên tới gần 150 triệu đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nguồn vốn hợp pháp
Tình trạng công nhân sa vào tín dụng đen, rơi vào bẫy nợ nần đang là vấn đề nhức nhối. Núp dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát dán tờ rơi, lập các website, app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội đăng tin quảng cáo cho vay tiền.
Thậm chí các đối tượng này còn trực tiếp đi chào mời cho vay ngay cổng một số công ty nhỏ lẻ không nằm trong các khu công nghiệp. Về hình thức cho vay cũng rất đa dạng, từ vay theo bảo hiểm y tế công ty cấp, vay theo hợp đồng tín dụng cũ, vay theo giấy đăng ký xe chính chủ, hóa đơn điện chính chủ, cho đến vay theo sao kê tài khoản lương… chỉ cần làm thêm vài bước xác minh, thu thập giấy tờ là công nhân đã có tiền. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay thường lách luật bằng cách làm những hợp đồng mua bán xe, hàng hóa trả góp với mức lãi suất vào dạng “khủng”. Người vay khi cần tiền buộc phải làm theo những gì mà các đối tượng cho vay sắp sẵn.
Không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những địa phương có đông công nhân khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang... tình trạng công nhân bị vướng phải tín dụng đen cũng phổ biến. Những công nhân gặp khó về tài chính và tin vào những lời mời gọi đã tìm đến những đối tượng nêu trên để vay tiền. Tuy nhiên, vì thu nhập thấp, thậm chí bị giãn việc, giảm việc… nhiều công nhân vay tín dụng đen thường gặp phải tình trạng tiền lãi cộng gốc ngày càng tăng cao, mất khả năng chi trả. Lúc đó, họ bị chủ nợ hăm dọa, đánh đập, người nhà nạn nhân cũng bị quấy rối...
Cuối năm cũng là thời điểm tội phạm tín dụng đen sẽ tăng cường hoạt động nên Công an các tỉnh chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo và họ cũng hiểu độ nguy hiểm khi vay tín dụng đen, nhưng nhiều công nhân vẫn đành phải vay nóng bất chấp hệ lụy.
Các đơn vị chức năng cần gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, không để hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công đoàn các công ty cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen để không sa vào bẫy.