KTĐT - Gần đây, cư dân mạng xôn xao với hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến, hay tại trên các website rao rặt như 5giay.vn, muaban.com, raovat123.com... Dù đã thỏa thuận xong giá cả, thanh toán tiền sòng phẳng, nhưng nhiều người mua hàng đã không nhận được món hàng như mong muốn, thậm chí mất luôn số tiền đặt cọc.
Chẳng hạn như anh Nguyễn Minh Trung, sinh viên ĐH Quốc Gia, bức xúc kể lại chuyện bị lừa khi mua điện thoại trên 123mua.com. Thấy có người rao bán chiếc điện thoại Nokia – 6300 còn 8 tháng bảo hành với giá 1 triệu đồng, Trung quyết định mua và đã chuyển tiền đặt cọc 50%, nhưng đợi mãi không thấy họ đến giao hàng. Biết mình đã bị lừa, Trung gọi điện đến số đã đăng, nhưng chỉ nhận được lời nhắn của dịch vụ điện thoại là không liên lạc được!!!
Không chỉ người mua mới bị mắc lừa, ngay cả người bán hàng nếu không cảnh giác cũng dễ trở thành nạn nhân. Chị Thúy Nga ở ngõ 75/60 đường Giải Phóng, Hà Nội – người thường xuyên bán hàng trên mạng cho biết: “Đôi khi không cảnh giác và tin tưởng gửi hàng trước cho khách quen, mình cũng bị mất tiền oan vì giao hàng rồi mà người ta không chịu trả tiền”.
Nguyên nhân chính là tại các website mua bán qua mạng ở Việt Nam, hầu như các mới chỉ sử dụng hình thức thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, hoặc là kênh trung gian để người tiêu dùng lên mạng tìm thông tin rồi thực hiện giao dịch thỏa thuận miệng giữa người mua và người bán. Về cơ bản những giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý, quá nhiều kẽ hở, đây chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn gian lận tung hoành.
Theo ông Trần Anh Tú, Giám đốc eBay Việt Nam, hiện nay phần lớn các giải pháp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho doanh nghiệp một website hoặc gian hàng với tính năng đăng bán và hiển thị cơ bản. Giải pháp đó chưa giải quyết được nhu cầu khác như quản lý kho hàng, quản lý bán hàng và sau bán hàng, báo cáo phân tích và đặc biệt là chưa có phương thức thanh toán trực tuyến tích hợp. Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết về giao dịch thương mại điện tử còn hạn chế, tại các trang website mua bán trực tuyến này tính an toàn chưa cao dẫn đến sự rủi ro “không mong đợi” xảy ra.
Để hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc xảy ra, một số website bán hàng trực tuyến đã mạnh dạn tích hợp cổng thanh toán trực tuyến trung gian giữa người mua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và an toàn giữa người mua và người bán. Chẳng hạn như cổng thanh toán trực tuyến Nganluong.vn của công ty Peacesoft, đơn vị duy nhất tại Việt nam thực hiện chính sách “Bảo hiểm người mua, Bảo hiểm người bán”. Đây là chương trình bồi hoàn lại toàn bộ số tiền mà người mua đã thanh toán cho người bán nếu giao dịch gặp rủi ro.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp trong thương mại điện tử, Trung tâm Phát triển TMĐT thuộc Bộ Công Thương đã xây dựng website trustvn.org.vn với mục tiêu “dán nhãn” các website TMĐT. Những website được dán nhãn tín nhiệm sẽ đưa ra những chỉ dẫn để quá trình giao dịch của khách hàng được dễ dàng; dữ liệu cá nhân được bảo mật; thông tin hàng hoá và dịch vụ, giá cả được cung cấp một cách rõ ràng; và thủ tục thanh toán thuận tiện, v.v...
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm TMĐT (Bộ Công Thương), giải pháp “dán nhãn” websites sẽ giúp nâng cao tính pháp lý trong TMĐT, qua đó tăng tỉ lệ giao dịch trực tuyến thành công.